Cẩm Nang Bệnh Nhân Thông Thái
Cẩm Nang Bệnh Nhân Thông Thái cung cấp cho bệnh nhân và người thân của họ những thông tin và lời khuyên cần thiết nhằm giúp cho quá trình sử dụng dịch vụ y tế được hiệu quả - an toàn và hài lòng hơn.
Cuốn sách này chỉ được sử dụng như một công cụ tham khảo về cách thức tham gia vào quá trình tìm kiếm thông tin, ra quyết định, phòng ngừa rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cũng như cải thiện trải nghiệm cho bệnh nhân.
Cuốn sách này không phải là một cẩm nang toàn diện và chuẩn mực về dịch vụ y tế, không được sử dụng để chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bất kỳ tình trạng y khoa nào. Nếu quý độc giả cần được trợ giúp về y tế, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc bệnh viện gần nhất.
Một trong những mong cầu tha thiết nhất của con người là được sống một cuộc đời khỏe mạnh, vì vậy, trở thành bệnh nhân là điều không mấy ai mong muốn. Nhưng dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế: Không ai tránh được bệnh viện.
Hầu hết chúng ta cất tiếng khóc chào đời ở bệnh viện, và phải đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nhiều lần nữa trong suốt cuộc đời: khám bệnh, chữa bệnh, thăm bệnh, nuôi bệnh, sinh con, nhổ răng, đo mắt, chích ngừa, khám sức khỏe tổng quát để bổ sung hồ sơ tìm việc hay hồ sơ du học, du lị
Mặc dù vậy, hình ảnh bệnh viện trong tâm trí chúng ta thường gắn liền với cảm xúc lo lắng, bất an, khó chịu, đau đớn, đôi khi phẫn nộ hay tuyệt vọng,…
Bên cạnh sứ mệnh cứu chữa, Y khoa cho đến nay vẫn là một ngành khoa học phức tạp và nhiều rủi ro. Các bác sĩ và nhân viên y tế buộc phải tuân thủ vô số quy trình mà trong đó một sai sót nhỏ ở một khâu bất kỳ có thể dẫn đến tai biến và bi kịch – “lỗ nhỏ đắm thuyền”.
Theo công bố năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 10 bệnh nhân trên toàn cầu thì có 4 người gặp sự cố rủi ro ở bệnh viện. Trong số đó, có đến 50% là loại sự cố có thể tránh được.
Vậy, làm sao để tránh?
Là đối tượng trực tiếp chịu tổn hại từ các sự cố này, chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ với sinh mạng của chính mình nữa. Chúng ta không thể tiếp tục cho rằng việc phòng ngừa rủi ro là việc của riêng bệnh viện và các nhân viên y tế nữa. Chúng ta không thể cứ ngồi yên đợi cho sự cố xảy ra rồi mới chạy đi kiện cáo khiếu nại trong sự giận dữ và bất lực nữa.
Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Nếu bệnh viện là bàn tay đang tìm kiếm giải pháp hạn chế rủi ro, cải tiến chất lượng, thì bệnh nhân và gia đình là bàn tay còn lại. Để được hiệu quả – an toàn – hài lòng hơn khi sử dụng dịch vụ y tế, chúng ta không thể thiếu chính mình.
Vì vậy, bệnh nhân và thân nhân chúng ta phải ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe, nhằm mang lại sự an toàn và hiệu quả trong việc khám chữa bệnh cho chính mình và gia đình. Chúng ta phải trở thành những Bệnh Nhân Thông Thái