Nhạc Cổ Điển: Những Mảnh Ghép Sắc Màu
Với mong muốn đem lại những gợi ý để độc giả bước vào thế giới nhạc cổ điển, Nhà xuất bản Kim Đồng và nhóm tác giả NA9 đã cùng nhau thực hiện cuốn sách “NHẠC CỔ ĐIỂN: NHỮNG MẢNH GHÉP SẮC MÀU”
Với nhiều người, “nhạc cổ điển” có thể là một từ xa lạ, nhưng thực ra, những giai điệu nhạc cổ điển gắn bó với cuộc sống thường ngày hơn mức bạn tưởng tượng!
Những chủ đề mà các nhà soạn nhạc thời xưa quan tâm cũng là những điều ngày nay chúng ta vẫn thích thú (một chuyến phiêu lưu li kì; một giấc mơ đẹp đẽ; một cổ tích lấp lánh), và thậm chí thiết tha, đau đáu (niềm vui khi về với thiên nhiên trong trẻo; nỗi buồn khi xa rời quê hương xứ sở; khát vọng tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống; ước mơ vươn tới những gì cao đẹp nhất…)
Những tác phẩm cổ điển, đến nay, vẫn là thử thách để nhiều nghệ sĩ tài năng tiếp tục chinh phục, những tác phẩm hàng trăm năm tuổi ấy vẫn xuất hiện đầy tinh tế trong nhiều bộ phim, vở kịch, các chương trình nghệ thuật hiện đại, mang đến điểm nhấn thú vị và đôi khi gửi gắm những thông điệp vượt thời gian!
Cuốn sách gồm 9 phần tuyển chọn 36 bài viết giới thiệu 36 tác phẩm âm nhạc cổ điển tiêu biểu, cũng là 36 miếng ghép đầu tiên gửi đến bạn đọc về nhạc cổ điển.
Vừa chọn lọc và giới thiệu tới độc giả những bản nhạc bất hủ, cuốn sách còn mang ý nghĩa nhập môn khi đưa ra những chú thích tỉ mỉ về thể loại tác phẩm, tốc độ chơi, các loại giọng hát…
Để đảm bảo sự nhất quán, ngoài một số nhạc cụ đã có tên Việt hóa phổ biến, còn lại, nhóm tác giả sử dụng tên tiếng Anh (ví dụ: piano, violin, kèn horn, kèn bassoon…) Trong mỗi bài viết đều có phần Từ khóa tìm kiếm: Bạn hãy gõ từ khóa này vào địa chỉ YouTube.com để tìm nghe tác phẩm do nhiều dàn nhạc, nghệ sĩ khác nhau thể hiện.
Từ tác phẩm này, bạn đọc có thể tự tin xây dựng những hiểu biết ban đầu nhưng cực kì quan trọng, làm nền tảng cho những khám phá tiếp sau về thế giới nhạc cổ điển!
Gần 200 trang sách được kể với ngôn ngữ bay bổng, đan cài nhiều thông tin thú vị trong thế giới nghệ thuật của âm nhạc, hội họa, văn học, điện ảnh… bạn đọc như bước vào một hành trình khám phá thú vị.
Các kết nối hiện lên đầy mời gọi, từ chỗ đọc từng bài viết, tìm nghe bản nhạc, kết hợp suy tư và cảm thụ của bản thân để thấu hiểu âm nhạc đòi hỏi bạn đọc rất nhiều kiên nhẫn. Và sau cùng là cảm nhận thế giới diệu kì lan tỏa, như nhạc trưởng bậc thầy Leonard Bernstein nói về Giao hưởng số 9 của Beethoven, thì: “Sự diệu kì ấy, không lời lẽ nào có thể diễn tả.”