Bắc Hành Lược Ký
Bắc hành lược ký là một “hồi ký chính trị” của Trường Phái hầu Lê Quýnh mà trọng điểm là mười năm ông bị cầm tù trong nhiều nhà ngục tại Trung Hoa sau khi theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang phương Bắc lưu vong. Có thể xem nó như một phong vũ biểu đo lường gió mưa, thăng trầm của thời cuộc, phản ánh những lên xuống trong bang giao Thanh-Việt từ đời Quang Trung sang đời Cảnh Thịnh và sau cùng là đời Gia Long.
Bản dịch mới lần này dựa theo bản Hán văn của tạp chí Nam Phong, có đối chiếu, bổ túc, tham khảo các bản in trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san và lưu trữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội, cùng những tài liệu, văn thư của triều Thanh trong cùng thời điểm, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều, sáng tỏ hơn khi nghiên cứu về giai đoạn lịch sử từ cuối triều Lê đến đầu triều Nguyễn.
Về tác giả - Lê Quýnh
Lê Quýnh (1750-1805) là một võ quan Đại Việt triều Lê trung hưng. Ông từng theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Hoa lưu vong, bị cầm tù hơn mười năm mới được về nước, nhưng vẫn không chịu gióc tóc và thay đổi lối ăn mặc, khí tiết ấy khiến người ta khâm phục. Ông để lại khá nhiều tác phẩm có giá trị sử liệu và văn chương, trong đó quan trọng nhất là Bắc hành được ký (tập hợp những ghi chép khi sang đất Bắc).