Đàng Trong Thời Chúa Nguyễn - Kinh Tế, Văn Hóa, Xã Hội
Hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề lịch sử Đàng Trong được nhiều học giả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm nghiên cứu và đã công bố nhiều cuốn sách viết về tổ chức chính quyền, quân đội, kinh tế, văn hóa, xã hội Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Trong đó, chú trọng đến nhiều cuộc khai phá vùng đất phía Nam, nhân vật Nguyễn Hoàng và vùng đất Thuận Quảng, hoạt động giao thương, đô thị và một số thành tựu về văn hóa...Song có nhiều nội dung còn sơ lược, nhất là đối với phát triển nông nghiệp, giao thông và thủ công nghiệp, vấn đề xã hội và đời sống văn hóa của Đàng Trong thời chúa Nguyễn cũng rất hời hợt. Các nội dung nghiên cứu rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn đối với đất nước và quốc tế hiện nay như chủ quyền và khai thác biển đảo không được các tác giả đề cập, vấn đề đô thị cũng chưa đầy đủ. Các công trình nghiên cứu đã có cũng chưa làm rõ quá trình chuyển tiếp lịch sử từ các tiểu vương quốc Champa, Chân Lạp, Nam Bàn từ thế kỷ XVI, XVII qua thời chúa Nguyễn; vị thế vùng đất Thuận Quảng và vai trò của chúa Nguyễn Hoàng với khởi đầu sự nghiệp Đàng Trong; vấn đề mở coi và định cõi… Những vấn đề này tiếp tục đặt ra cho giới nghiên cứu ngày nay để có cái nhìn đúng và đầy đủ hơn giai đoạn lịch sử này.
Bộ sách là kỷ yếu của Hội thảo Khoa học: "Đàng Trong thời chúa Nguyễn" do Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 28/4/2019 tại thành phố Huế, nhằm đánh giá cụ thể những thiếu sót của cuốn dịch tư liệu “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” xuất bản vào năm 2016, đồng thời tiếp cận các nội dung nghiên cứu toàn diện và cụ thể hơn về lịch sử Đàng Trong.
Bộ sách gồm 36 chuyên luận của các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 14 chuyên luận đề cập quá trình xác lập chủ quyền và xây dựng bộ máy nhà nước ở Đàng Trong, 15 chuyên luận về kinh tế và 7 chuyên luận về vấn đề văn hóa, xã hội Đàng Trong (cụ thể anh chị em xem ảnh mục lục nhé).