Khi đất trời sắp đến thời khắc giao hòa, cũng là lúc mà mọi thứ ồn ào, tranh cãi, bon chen của đời thường tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những chiêm nghiệm, những cảm xúc sâu lắng, cho tình thân, sự đoàn tụ. Đoàn tụ, sum vầy trở thành yếu tố quan trọng nhất và cũng là bí mật lớn nhất của Tết. Nhưng Tết nay dường như bí mật, vẻ đẹp đó đang rời xa chúng ta theo năm tháng. Chính vì lẽ đó, Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông Sống phối hợp cùng NXB Thế giới xuất bản ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020 - Sách Tết đoàn viên.
Tết đoàn viên gồm 4 phần: Phong vị Tết, Tết trong tôi là…, Tết đoàn viên, Vĩ thanh. Và mỗi bài viết trong từng phần bằng một cách riêng mỗi tác giả đã nói về những vẻ đẹp khác biệt của Tết. Mỗi bài viết mang đến một phong vị Tết của từng vẻ đẹp, từng thời kì, từng vùng miền… Những vẻ đẹp ấy của Tết hiển hiện trong trời đất, trong cây cỏ hoa lá, trong những ngôi nhà, căn bếp, trong mỗi gương mặt, trong mỗi giọng nói, trong hương nến trên ban thờ, trong hương vị của những món ăn truyền thống. Nhưng dòng chảy lớn nhất, thiêng liêng nhất qua những vẻ đẹp ấy là sự đoàn tụ, sum vầy. Sự đoàn viên không còn chỉ là sự kiện gặp mặt của những thành viên trong gia đình, những người bạn lâu ngày không gặp mà còn là sự gặp lại những phong vị Tết, những vị riêng, mùi riêng của Tết, sự đoàn tụ với những không gian, vùng miền của đất nước, đoàn tụ trong chiều kích thời gian Tết xưa và nay.
Trích đoạn:
“Ít nhất hai ngàn năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết Nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như là thành phần cơ hữu của toàn bộ hệ thống, nó là thời điểm tích lũy, bùng nổ những ứng xử, những thành tựu văn hóa của cả một cộng đồng. Từ một lễ tiết đánh dấu kết thúc vòng quay một năm, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Tết ở một số nước phương Đông thực sự đã trở thành một sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng”. - Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ
“Các gian hàng chợ Đồng Xuân cũng trang trí thêm những dây đèn nhấp nháy, bắt đầu bán hàng Tết. Túi hàng Tết định lượng, bao gồm gói chè Hồng Đào, gói thuốc lá Thủ đô bao bạc, túi mì chính nửa lạng mắt tinh mới thấy, đôi gói kẹo mềm Hải Châu, hai hộp mứt Tết mỏng bìa nhãn vẽ hoa đào, túi hạt tiêu đen nho nhỏ, phong pháo Trúc Bạch, chai rượu cam, hoặc chanh pha màu, lại thêm một hai miếng bóng bì hình thù đa dạng, luôn có xu hướng chọc thủng chiếc túi ni lông bao ngoài, làm ẩm xìu các thứ hàng bên trong”. - Nhà văn Trung Sỹ
“Phong vị, theo từ điển Hán Nôm, là để: “chỉ sự thích thú và cái ý nghĩa cao đẹp của một sự việc, hoặc trong một cuộc sống”. Ý kiến cá nhân tôi, một người Hà Nội cũ vốn cũng chịu khó quan sát và chịu đọc, thì giải thích thế có lẽ là chưa đủ. “Phong” với tôi là phong cách, “Vị” với tôi là hương vị. Vậy “phong vị ngày Tết” có nghĩa là phong cách cùng hương vị của ngày Tết, gọi nôm na là không khí Tết. Tết mà ta đang nói đến, là Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền của dân tộc”. - Nhà văn Trung Sĩ