Khi nghĩ về tuổi thơ, ký ức tôi neo lại lúc theo má bơi xuồng xuôi dòng sông Hậu hái bông điên điển. Tôi nhớ những lần theo ba đi giăng câu, đặt trúm lươn, bẫy cò, bắt rắn. Lớn lên chút nữa, tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm đi tát đìa bắt cá, đi soi ếch, đi cắt lúa mướn hay bất cứ việc gì gắn với ruộng đồng, sông nước. Miền Tây đong đầy tôi bằng những ngày hè rực nắng nhuốm mùi rơm rạ đồng chiều, bằng những đêm trăng thả xuồng lênh đênh trên cánh đồng nước nổi, bằng những câu vọng cổ tài tử thổn thức trăm năm.
Có lẽ với nhiều người, miền Tây dịu dàng e ấp như cô gái quê trong chiếc áo bà ba che nghiêng vành nón lá. Nhưng mấy ai biết rằng, thẳm sâu bên trong miền Tây vẫn chứa đựng nhiều nỗi thăng trầm mà chỉ có những người ngụp lặn cả đời với nó mới thấu hiểu. Tôi viết cuốn sách này là muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của một miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc. Tôi xót xa chứng kiến những con sông nắng mưa bồi lở, bao phen ngậm ngùi nhìn mùa nước nổi vắng bóng cá tôm, cay đắng cùng số phận của những người nông dân bị bứng khỏi quê nhà dạt trôi tứ xứ. Nhưng dù có vật đổi sao dời đến đâu, thì miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao điều tốt đẹp. Cái đẹp của tình đất tình người.
T.C.H.
Trích đoạn:
“Tôi viết cuốn sách này là muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của một miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc. Tôi xót xa chứng kiến những con sông nắng mưa bồi lở, bao phen ngậm ngùi nhìn mùa nước nổi vắng bóng cá tôm, cay đắng cùng số phận của những người nông dân bị bứng khỏi quê nhà dạt trôi tứ xứ. Nhưng dù có vật đổi sao dời đến đâu, thì miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao đều tốt đẹp. Cái đẹp của tình đất tình người.”
“Tôi đã đi qua biết bao con sông, mỗi con sông có hơi thở riêng, không dễ gì vẽ lại. Tôi từng ngắm con sông Bổn Sồ xanh vời vợi lục bình trôi, từng cắn mấy con ốc đắng bắt dưới lòng sông này đem trộn gỏi bắp chuối sáp. Thế nhưng khi thả mình trên con sông trong đêm thanh vắng, tôi bỗng thấy chữ nghĩa bất lực với hồn phách dòng sông. Mặt sông Bổn Sồ vẫn tĩnh lặng soi bóng bao số phận, thản nhiên một cách bình tâm.” - Miên man Chợ Lách -
“Ánh mắt của anh Tuấn đọng lại trong tôi khá lâu, cứ day dứt mãi. Cho đến một hôm, tôi đi đám giỗ nhà người thân ở Miệt Thứ - U Minh thì ánh mắt ấy mới thôi ám ảnh. Tôi nhớ hôm đó, khi mọi người đang ăn uống nói cười vui vẻ, bỗng có bà dì ở bàn bên cất lên một câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Dì ca một cách tự nhiên, không kiểu cách luyến láy như ca sĩ nhưng nghe mùi mẫn đến đứt gan đứt ruột. Sau phần “khởi xướng” của dì, lần lượt các bàn khác mỗi bàn ca một bản, dài vắn tùy chọn. Cứ thế xoay vòng mãi. Ca không có đờn, không có âm thanh kỹ thuật hỗ trợ nhưng ai cũng say sưa. Gặp những đoạn cao trào, nhiều người gật gù ca theo. Có người lấy đũa gõ nhẹ vào thành chén đĩa giữ nhịp, tạo ra một không khí vui tươi nhưng sâu lắng. Cứ thế, họ ca với nhau đến tận khuya. Càng về khuya, tiếng ca càng ngân vọng ra xa, bao cung bậc thổn thức cứ khoan nhặt mãi.
Tôi đem chuyện anh Tuấn và chuyện tham dự buổi ca tài tử đậm chất Nam bộ ở Miệt Thứ kể cho chú Nguyễn Đình Chiến, một nghệ nhân tài tử kỳ cựu ở An Giang nghe. Chú Chiến trầm ngâm bảo, đờn ca tài tử đã ăn vào máu thịt của người dân Nam bộ, nên không dễ gì chết được đâu. Có thể mỗi thời kỳ, diện mạo của nó có khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không chết. Ở đô thị, người ta ca tài tử trên sân khấu, ca với âm li thùng loa cỡ bự. Còn nông thôn, người ta vẫn ca mộc mạc bên chiếu rượu, trên bờ đê những đêm trăng sáng, trên mấy chiếc xuồng ghe thương hồ bập bềnh sóng nước. Đó là giá trị tinh thần lớn lao của lưu dân phương Nam, nên không thể nào mất được. Chú Chiến còn bảo, tín hiệu vui là mấy năm gần đây, nhiều cuộc vận động sáng tác lời mới cho bài ca vọng cổ, nhiều tỉnh tổ chức thi ca vọng cổ tài tử, thi sáng tác cải lương. Đặc biệt, nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Đó là những minh chứng cho thấy chúng ta đang làm tất cả để giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.” – Về phương Nam lắng nghe cung đàn… -