Wabi sabi: bắt nguồn từ hai từ riêng biệt, đều liên quan đến giá trị thẩm mỹ, vốn đi sâu vào trong văn học, văn hóa và tín ngưỡng.
Wabi là khám phá cái đẹp trong sự đơn giản, là tìm thấy sự đủ đầy và bình yên trong tâm hồn khi tách biệt khỏi thế giới vật chất. Còn sabi đề cập tới dòng chảy của thời gian, quá trình sinh diệt và quy luật lão hóa của vạn vật.
Cả hai khái niệm này đều có vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, nhưng có lẽ ý nghĩa của cụm từ wabi sabi còn thú vị hơn.
Wabi sabi gắn bó mật thiết với mối quan hệ cơ bản này của con người và thiên nhiên. Triết lý này bao hàm việc chấp nhận tính ngắn ngủi của vạn vật và việc trải nghiệm cuộc sống bằng mọi giác quan. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn cảm hứng giúp bạn tìm thấy nhịp điệu tinh tế của riêng mình và khám phá ra hạnh phúc ngay tại nơi bạn sống.
Wabi sabi là nền tảng cho ý thức thẩm mỹ và bản tính nhã nhặn của người Nhật. Tuy hiếm khi được đem ra thảo luận, triết lý này là thế giới quan định hướng cuộc sống của họ. Nó có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhưng lại vô hình, vô dạng. Theo bản năng, người ta có thể hiểu khái niệm wabi sabi, nhưng ít ai giải thích được tường tận.
Wabi sabi là một bí ẩn hấp dẫn, hứa hẹn đem lại tri kiến cho những ai biết sống đủ chậm để tìm hiểu và tiếp cận với trái tim rộng mở.
Wabi sabi là phản ứng trực giác trước cái đẹp thể hiện bản chất thật của cuộc sống.
Wabi sabi là chấp nhận và hiểu rõ bản chất vô thường, bất toàn, không hoàn hảo của vạn vật.
Wabi sabi là nhận biết giá trị của lối sống đơn giản, chậm rãi và thuận tự nhiên.
Wabi sabi là một trạng thái của trái tim. Là hít vào thật sâu và thở ra thật chậm. Ta cảm được nó trong khoảnh khắc nhận thức sâu sắc thực sự – một khoảnh khắc hoàn hảo trong một thế giới không hoàn hảo. Ta nuôi dưỡng nó bằng lòng khao khát vun đắp niềm vui và chú tâm đến những điều tinh tế, nhỏ nhặt. Ta trải nghiệm nó khi sống một cách chân thật và tràn đầy nhiệt huyết. Triết lý này tập trung vào việc trải nghiệm thế giới bằng cách thực sự sống trong đó, thay vì đứng bên ngoài phán xét. Nó hướng tới việc gạt đi những mưu toan, nhường chỗ cho sự tinh nhạy, và dành thời gian để chú tâm.
Các nguyên tắc nền tảng của wabi sabi có thể dạy ta những bài học cuộc sống về việc buông bỏ sự hoàn hảo và chấp nhận con người thật của mình. Chúng cho ta công cụ để thoát khỏi sự hỗn loạn và áp lực vật chất của cuộc sống hiện đại, để ta có thể bằng lòng với những gì mình có.
Chúng nhắc nhở ta tìm kiếm và rung động trước cái đẹp trong cuộc sống thường ngày, từ đó biết trân trọng chính bản thân cuộc sống.
Trích dẫn sách:
Vào một buổi sáng tháng Giêng xám xịt, khi đang trên đường đến thư viện Bodleian ở Oxford để thực hiện một số nghiên cứu cho cuốn sách này, tôi nhìn lên và thấy không chỉ một mà là hai dải cầu vồng trên bầu trời. Đứng chôn chân tại chỗ, tôi nhìn chằm chằm đầy kính ngưỡng vào món quà ấy, một thứ mà bản thân chưa từng được thấy bao giờ. Khi ngắm nhìn, tôi có thể thấy nó đang thay đổi, lúc đậm lên, lúc mờ đi. Một cậu thiếu niên cắm cúi bước lại và gần như va vào tôi, bởi cậu vẫn đang mải tập trung vào chiếc điện thoại trên tay. “Nhìn kìa”, tôi nói, gõ nhẹ vào cánh tay cậu và háo hức chỉ lên. “Ôi chao”, cậu thốt lên, và quay sang đứng cạnh tôi, hai người xa lạ bỗng cùng chia sẻ khoảnh khắc hoàn hảo của chiếc cầu vồng đôi. Hai phút sau nó biến mất.
Thiên nhiên là ngôi nhà của phép màu. Quá trình phát triển phức tạp, những câu chuyện về sức bật tinh thần, vẻ đẹp phù du xuất hiện rồi lại tan biến. Khi chúng ta dành thời gian để dừng lại ngắm nhìn, mỗi món quà ấy lại gợi nhắc chúng ta chú ý đến những vẻ đẹp thoáng qua trong cuộc sống của chính mình.
TRIẾT LÝ WABI SABI VỀ VIỆC SỐNG VỚI THIÊN NHIÊN
- Thiên nhiên nhắc nhở chúng ta về tính chất ngắn ngủi của cuộc sống.
- Chú ý đến sự đi qua của các mùa là một cách để sống trong hiện tại.
- Nhịp điệu của thiên nhiên gợi nhắc chúng ta nắm bắt nhịp điệu tự nhiên của bản thân, từ đó biết được lúc nào cần ráng sức, lúc nào nên thư giãn.
THỰC HÀNH: CHIÊM NGHIỆM
Hãy dành thời gian trong thiên nhiên để chiêm nghiệm:
- Tính chất ngắn ngủi của cuộc sống
- Vẻ đẹp của ánh sáng và bóng tối
- Những chi tiết nhỏ xíu và đường chân trời rộng lớn
- Những dấu hiệu và tặng vật của mỗi mùa trong năm
- Trải nghiệm thời tiết bằng toàn bộ các giác quan
Bạn nhận thấy những gì? Khi bạn chú tâm lắng nghe, thiên nhiên nói gì với bạn?
[…]
Sự rộng lượng của tâm hồn: Nhìn vào mặt tốt.
Thôi thúc bởi mong muốn hiểu cho thấu đáo làm thế nào mà tất cả các nguyên tắc trà đạo đều quy tụ về triết lý Thiền và wabi sabi, tôi đã cùng đàm luận với sư thầy Takafumi Kawakami, phó trụ trì ngôi đền Shunkō-in tại Kyōto. Ngài đã giải thích khái niệm kū trong giáo lý đạo Phật mà chúng ta thường diễn giải là “rỗng không” hoặc “vô ngã”. Theo sư thầy Kawakami, khái niệm này không thiên về sự lãng quên đi bản ngã mà nghiêng về cảm giác hòa thành một với vạn vật. Tất cả chúng ta đều có mối liên hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu vắng lẫn nhau hoặc thế giới xung quanh. Điều này cũng lý giải tại sao mối liên kết mà chúng ta cảm nhận trong không gian trà thất lại sâu sắc và mãnh liệt đến vậy. Đấy chính là thời khắc để ta suy tư lắng đọng và trân trọng mối quan hệ qua lại giữa người với người. Tất cả chúng ta đều mải miết cuốn theo nhịp sống của bản thân nhưng trong chính thời khắc chúng ta ngừng lại để tận hưởng trải nghiệm trà đạo bằng nhiều giác quan, chúng ta thấy mình bước qua cõi thời không. Trà đạo nhắc nhở chúng ta làm thế nào mà các nguyên tắc wa kei sei jaku có thể mang lòng trắc ẩn và sự an bình đến với cuộc sống vốn rất đỗi thân thương nhưng đôi khi chẳng kém phần điên đảo của mỗi người.
Dạo gần đây, tôi đã có bữa trưa gồm gạo yuzu và rau củ mùa đông với cô bạn Ai Matsuyama, tôi đã quen cô từ nhiều năm trước khi cả hai cùng tham gia khóa học dẫn chương trình truyền hình tại đại học NTV. Giáo viên của chúng tôi hồi đó là một chuyên gia kỳ cựu trong ngành truyền hình Nhật Bản. Lần đầu tiên khi tôi mở miệng để giao tiếp trong lớp học, cô đã lắc đầu với vẻ âu lo và nói: “Ồ, giọng cưng nghe như mới ở quê lên vậy.” (Tôi vừa chân ướt chân ráo tới Tōkyō từ một nơi hẻo lánh phía Bắc Nhật Bản mà ở đó khẩu ngữ địa phương vốn rất nặng). Cô chẳng hề đoái hoài gì đến thực tế là tôi đang phải vận dụng thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ mỗi khi đọc những bản tin thời sự hoặc thời tiết hay phỏng vấn ý kiến người dân ngay trên những con phố. Cô xem tôi không khác gì những sinh viên người bản xứ. Và tôi thực sự yêu mến cô vì điều đó. Tôi có vô vàn lý do để cảm thấy lo lắng và áp lực khi tham gia khóa học này, nhưng cô bạn Ai luôn chọc tôi cười phá lên trên giảng đường và không bao giờ cho phép tôi tự gây căng thẳng quá mức cho bản thân. Trong lần gặp lại này, chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê sang chảnh và cô lại khiến tôi cười mất duyên hết lần này tới lần khác.
Ai là cô gái biết nhìn vào mặt tốt đẹp trong cuộc sống và luôn mang đến nguồn năng lượng tuyệt vời trong mỗi dịp tụ họp. Tôi đã hỏi cô về bí quyết sống tích cực. Và cô đáp:
“Tôi luôn cố gắng tìm ra ít nhất một điểm tốt trong mỗi người, thậm chí ngay cả trong những người mà tôi không thực sự ưa gì họ.” Sự khoan dung độ lượng trong tâm hồn chính là món quà ẩn danh cho người nhận được nó, đồng thời nó khiến chính Ai cảm nhận thoải mái hơn rất nhiều về mối quan hệ đó. Chắc chẳng phải ngẫu nhiên khi từ “Ai” trong tên cô có nghĩa là “tình yêu”.