“Than đương nhiên là có hồn. Trước đây nơi này không gọi than là than, cậu có biết gọi là gì không?”
“Không biết.”
“Gọi là gỗ thần.”
Nhiều tác phẩm của nhà văn Lưu Khánh Bang đều có chung một vùng ám ảnh: vùng mỏ. Từng sống và làm việc nơi đây suốt chín năm, ông đã viết: “Hiện thực của mỏ than chính là hiện thực của Trung Quốc.”
Gỗ thần được viết dựa trên sự kiện có thật: Năm 1998, nhiều vụ án lừa gạt giết người có tổ chức xảy ra tại các hầm mỏ ở Trung Quốc, với số nạn nhân lên đến hàng trăm người. Một bức tranh cuộc sống chân thực và sống động trải ra theo ngòi bút điêu luyện của tác giả: Mỏ than xa xôi hẻo lánh là nơi những con mồi cắn câu tìm đến, không biết rằng mình đã bước chân lên con đường không có lối về, nơi có giếng mỏ tối tăm ngột ngạt như một hố đen thiếu vắng luân thường và pháp luật, nơinhững con người vật lộn mưu sinh dưới đáy xã hội với những tâm tư, dục vọng phức tạp trải qua cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt về nhân tính, nơi những bí mật đen tối và cay đắng của họ cuối cùng bị chôn vùi, nhưng độc giả thì không thể quên được.