Phú Yên đất và người
Viết về một địa phương, kẻ đi sau có cái lợi là được người đi trước tạo cho ít nhất cũng một đường mòn hay một lối bẻ lau vạch cỏ. Đồng thời có cái thiệt thòi của kẻ đi sau. Không ít sự kiện khi xem đến bạn đọc có thể có cảm tưởng đã biết sơ qua một cách đơn giản trên một trang sách, một bài báo nào đó, hay mang máng nhớ rằng…
PHÚ YÊN - ĐẤT VÀ NGƯỜI là tập sách viết về đất nước - quê hương, nhưng không phải là địa chí Phú Yên, nên không theo trình tự một quyển địa chí, chúng tôi cũng không có tham vọng miêu tả, tường thuật đầy đủ mọi cảnh trí, sinh hoạt của Phú Yên kể từ thuở những lưu dân người Việt theo bước chân Lương Văn Chánh đến đây lập nghiệp.
Chúng tôi chỉ ghi lại những gì mình tìm hiểu được, biết được. Một phần, có thể cung cấp tư liệu chính thức cho những người muốn sưu tầm nghiên cứu về Phú Yên. Phần khác, là những chuyện trên trời dưới đất để kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu. Do đó, chấp nhận vượt qua sự chặt chẽ trong bố cục, hàm súc trong diễn tả, mà chuyện gì biết nhiều thì nói nhiều, biết ít thì nói ít, không chú tâm cắt xén cho cân xứng.
Việc sắp xếp các phần, chương, mục chỉ là tương đối.
Muốn thuận tiện cho bạn đọc, tránh sự lặp lại, cái tương đối ấy nhiều khi càng tương đối hơn. Bởi có thể coi một phần trong tác phẩm là chuyện dân gian, dân ca… cà kê dê ngỗng với nhau, tạo thêm phần hứng thú cho những người yêu mến hoặc muốn tìm hiểu về Phú Yên..
Tập sách có 5 phần chính:
1. Lược sử một vùng đất
2. Thiên nhiên
3. Đời sống kinh tế - xã hội
4. Đời sống tinh thần
5. Di tích - Nhân vật
Thời điểm chúng tôi bắt đầu tập hợp dữ liệu sơ thảo từ năm 1996, đến nay (2019) qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung để được cập nhật.
Mong muốn của chúng tôi là giữ được sự trung thực, khách quan, mức độ cao chừng nào hay chừng ấy. Và, những quan điểm trình bày ở đây là quan điểm của cá nhân tác giả.
Thật là điều vô cùng quý hóa đối với chúng tôi nếu được quý bậc thức giả, quý thân hữu, quý bạn đọc... chỉ bảo cho những điều còn thiếu sót, để chân dung quê hương Phú Yên không phải ký họa mà là một bức tranh toàn cảnh, đầy đủ, trọn vẹn, chân xác hơn.
Trần Huiền Ân
Trích “Dân số”:
- Giữa thế kỷ thứ XVII triều đại nhà Minh ở Trung Hoa suy yếu, bị người Mãn Thanh đánh đổ. Một số quan quân trung thành với triều đại cũ không chịu sống dưới chế độ cai trị của người Mãn, đã bỏ nước kéo nhau di cư sang miền đất mới của nước Việt, được thu dụng cho định cư từ Hội An đến Hà Tiên, trong đó có Phú Yên mà Vũng Lấm là người Minh Hương, cho đến năm 1945 còn gọi như vậy.
Năm 1865 - Ất Sửu, Ngự sử Nguyễn Văn Phương tâu vua Tự Đức:
“Ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đất rộng người ít, mở mang được hết. Xin xuống sắc cho tỉnh Quảng Nam và các hạt lân cận như Quảng Ngãi khai rõ những người ngoại tịch và dân không có căn cước dẫn giao cho các tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) chọn đất chia cho ở, cấp trâu cho cày, đồ làm ruộng để khai khẩn cày cấy những ruộng bỏ hoang, dựng ra thôn xã, ghi vào sổ ngạch…”.
Vua Tự Đức cử Nguyễn Văn Phương làm Khâm phái doanh điền, đặt nha Doanh điền để lo liệu công việc, đến hội với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đưa dân vào trong 3 tỉnh phía trong (có Phú Yên) định cư. -
- Xin hãy hình dung và nhẩm tính… Ngày ấy, một ngày cách đây trên 400 năm, Lương Văn Chánh nhận sắc chỉ đưa dân vào cõi Trấn Biên, nơi này có được bao nhiêu người? Kể cả những người dắt trâu bò, mang nông cụ theo sau vó ngựa Phù Già. Kể cả những người lâu năm định trú trong vùng châu thổ từ vịnh Bà Đài phía bắc đến cửa Đà Diễn phía nam, lên phía tây thượng nguồn sông Ba, sông Cái.Thật là khó. Âu cũng đành chào thua khuyết sử!-