Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội. Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen “Phía cuối hàng lổng chổng mấy nửa hòn gạch hay chiếc rá sứt cạp, xếp sẵn để đại diện cho một người mua hàng nào đó đang tranh thủ mua rau quầy bên cạnh. Thỉnh thoảng không thấy ai để ý, thằng bé con lại đá nửa viên gạch hay cái rá thủng mập mờ vô thừa nhận trước mặt mình bắn ra khỏi hàng, trong sự đồng tình của những người xếp phía sau lưng. Những kẻ chạy show quay về quầy cá, thấy mất “văn phòng đại diện” tức tối hằm hè, bất lực chửi đổng.”
Cuốn sách dành cho những “Những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời”; dành cho những con người đã trót yêu, và sẽ yêu mảnh đất “Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố”.
Trích đoạn sách Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu
Sau những ngày trăng mật với niềm hứng khởi đầy chất lý tưởng ban đầu, cậu Nhân tôi dường nhưđã thất vọng. Khi lâm cảnh thiếu thốn, chiến tranh thường bùng nổ và diễn ra tại căn cứ địa dạ dày. Một định nghĩa về thịt cậu tôi nhái theo sách giáo khoa Sinh vật lớp 6, trong bài ông – Leeuwenhoek tìm ra vi khuẩn dưới kính hiển vi: “Thịt là món ăn thường có trong bữa ăn hằng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được”.
Ôi phố Phở! Hà Nội chẳng có phố nào tên là phố Phở, nhưng phố phở luôn là nỗi nhớ thủ đô trong lòng con trẻ. Có những buổi chiều dầu đèn nhập nhoạng dơi bay, tôi mở sách dừng lại ở bài này lâu nhất. Khuôn hình minh họa vẽ một góc phố nhỏ, phố có vỉa hè hẳn hoi, có ngôi nhà hai tầng chấp chới sau một tán bàng. Tiếng chùm chìa khóa đồng bà ngoại tôi vọng reo ling king đâu đó. Ngôi nhà hẳn bán phở nên mới gọi là Phố Phở.
Tôi nhắm mắt, như nhìn thấy tảng thịt bò chín ngậy, mùi hành hoa điểm vị nồng của lát gừng cay đập dập trong trang sách. Nhớ phố, nhớ phở quá! Nếu bây giờ được về Hà Nội, tôi sẽ dứt khoát đòi bà ngoại bằng được một bát phở dù không ốm.
Chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Khi cả nhà rời khỏi Hoài Đức vài hôm, máy bay Mỹ oanh tạc trúng hai làng Yên Bệ và Yên Vĩnh, nơi chúng tôi ở trước. U Nhu hớt hải chạy ngược về Hà Nội, kể ở Đức Thượng nhìn về Yên Vĩnh, thấy bom quật tung cả những bụi tre lớn lên trời. Không biết đơn vị bộ đội phòng không ở đó có thiệt hại gì không nhưng dân làng chết nhiều lắm. Ở đấy có tụi bạn học vỡ lòng của tôi: những thằng Báu mồm méo, thằng Bảo trọc, thằng Minh bồng, thằng Cường híp... bao lần cùng tôi chơi đánh trận giả dưới con hào giao thông nối những căn hầm. Thằng Năng hay nhổ cho tôi những bụi rong giềng, dưới gốc đeo nặng quầy củ dẻo thơm. Cây rong riềng lá tía, có những đọt hoa thắm đỏ chứa đầy mật ngọt. Không biết những đứa bạn làng quê của tôi có thoát được trận bom đó không?
Những tiếng rao tiếng xẩm trên tàu hẳn là cái gạch nối liền mạch giữa hai chế độ, thực dân phong kiến và dân chủ cộng hòa. Mọi chính quyền đều có thể thay đổi, song những kẻ tàn tật dưới đáy xã hội vẫn chỉ có mỗi kế sinh nhai như cũ. Dường như không xuất hiện một đặc ân nào ngoài việc nhắn nhủ rằng nhân loại vẫn cần đến những tấm lòng trắc ẩn, dù chỉ lướt qua trên những chuyến tàu đời.
Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố. Càng chật hơn nữa khi những lớp người cũ dường như không chốn nương thân trong không gian văn hóa đô thị mới. Họ co mình lại, chỉ thấy mặt nhau trên Facebook rồi bấm like hay than thở toét cả ngón tay
Trải qua hơn 60 năm kể từ khoảnh khắc “khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy, nhịp trống rung 36 phố phường”, Hà Nội giờ đây đã trở thành một thủ đô năng động, giàu sức sống với những dòng người, dòng xe cộ nối dài bất tận. Thế nhưng, đâu đó trong thành phố này vẫn có những di tích, chứng nhân lịch sử trường tồn bất chấp thời gian để ta không khỏi yêu và nhớ về một thời khói lửa hào hùng... Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người từng có ký ức tuổi thơ với Hà Nội cũ đều có lòng tương tư. Tương tư từng góc phố, hàng cây, đến khung cửa sổ, mái ngói của những căn biệt thự Đông Dương cổ kính.
Chúng ta vẫn luôn thương nhớ những thứ xưa cũ, cũng giống như nhiều người vẫn còn lòng hoài niệm với Hà Nội thuở trước. Ví như việc sống giữa khu đô thị sang trọng hạng nhất thì người ta lại nghĩ đến căn nhà cấp 4 tường gạch vôi ve. Hoặc khi tận hưởng sự náo nhiệt, rực rỡ của Trung tâm thương mại thì người ta lại nhớ đến dáng vẻ mơ màng, yên ả của phố cũ. Hay cứ mỗi dịp Tết đầy đủ, sung sướng thì ta lại nhớ đến Tết xưa, nhiều khó khăn nhưng ấm áp tình thân