“… Nếu em là một cô gái trinh, tôi sẽ cưới em làm vợ.
Nhưng xin lỗi, em chỉ là một con đĩ!”
Đây không phải tiểu thuyết dâm loạn, đây chỉ là một câu chuyện xúc động lòng người sâu sắc. Cuốn sách nói về cái đẹp, và bày tỏ về nỗi đau, của Hạ Âu - một cô gái mang tiếng là đĩ, và người bạn trai Hà Niệm Bân. Những trắc trở trong đời cô thuật lại một chuyện tình đau xót.
Truyện được đăng tải lần đầu trên mạng book.mop và Sohu của Trung Quốc đã được hàng chục triệu độc giả người Hoa bình chọn là tác phẩm kinh điển mới của dòng văn học mạng, một thành công của thế hệ người viết 8x. Bản dịch này theo đúng nguyên tác, ngắn gọn và chân thực so với bản sửa chữa trong lần in đầu của truyện năm 2005.
Truyện dài trên mạng này (sau đã in ra sách ở Trung Quốc và Hồng Công) tiêu biểu cho một sáng tác xuất bản “ngược”, xuất bản từ mạng rồi mới in thành sách, và những người mua sách là những người đã đọc đến thuộc lòng truyện free trên mạng, điều này đi ngược lại toàn bộ những bước xuất bản sách truyền thống và đánh dấu một thành công của các cây bút vô danh.
Bản dịch tiếng Việt đăng trên weblog Trang Hạ trong thời gian đầu tiên đã thu hút hơn 2.000 lượt người xem mỗi ngày, đưa tổng số lượt truy cập weblog Trang Hạ hiện nay đã tăng vọt lên gần nửa triệu lượt . Nếu tính cả hàng chục forum và website tại Việt Nam đồng thời chuyển đăng bản dịch của tôi trong ba tháng cuối năm 2006, lượt độc giả của bản dịch tiếng Việt “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” đã lên tới hàng trăm nghìn người. Trong hai tháng 9 và 10 năm 2006, sau khi tôi công bố e-book của bản dịch này, riêng số lần download bản dịch này dưới dạng sách điện tử từ ba host khác nhau đã vượt ngưỡng một vạn bản. Và “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” đã thực sự gây ra một cơn sốt trong giới blogger Việt Nam cũng như trên các diễn đàn điện tử.
Hiện tượng này chứng tỏ sự thích đọc, sẵn sàng theo dõi dài kỳ của người dùng Internet Việt Nam, khẳng định sức lan tỏa của truyện, và cũng khẳng định mức độ tiếp nhận của công chúng mạng (netizen) ở Việt Nam với một tác phẩm mạng. Nó cũng chứng tỏ sức mạnh của truyền thông hiện đại với các nghị đề công chúng không phải đến từ các nguồn tin báo chí, các nghị đề công cộng như trước đây.
Internet và hình thức nhật chí (weblog – ghi chép hàng ngày) mở ra một cuộc chơi văn mới mẻ. Với bạn đọc, được sự trợ giúp bởi công cụ tìm kiếm hoặc các công cụ tách tin tổng hợp tin, blog cũng như diễn đàn đánh dấu sự phản hồi và giao tiếp nhà văn - bạn đọc ở mức độ tích cực và trực tiếp nhất. Với văn học, nhà văn không còn tạo ra một lứa bạn đọc mà bạn đọc là người quyết định sự ra đời của một nhà văn. Vì có công chúng, người viết trên mạng trở thành nhà văn được đón nhận như thế.
Còn đơn giản tại Việt Nam, nó chứng tỏ bạn đọc vẫn còn thiếu ghê gớm những "chất liệu đọc" để làm thỏa mãn nhu cầu đọc giải trí đơn thuần, để xây dựng một cái nhìn đa chiều về giải trí, nhất là khi có nhiều người quen áp đặt những tiêu chí cổ điển để đánh giá một hình thức văn học mới mẻ.