Từ thời khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, không gian sinh tồn của nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Biển cũng là môi trường tiếp giao, cửa ngõ hướng ra đại dương, hướng tới các giá trị, tiềm năng kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng là không gian đón nhận nhiều sinh lực sáng tạo mới của các thế hệ người Việt Nam. Họ là sản phẩm của các thời đại văn hóa và chính các cộng đồng cư dân sống ven biển, trên biển ấy là những người bảo tồn, lưu truyền và nhân lên các giá trị văn hóa biển.
Do tác động của nền kinh tế hải thương, vào thế kỷ XVI XVIII, đời sống xã hội Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Một số cảng thị như: Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Cù Lao Phố, Hà Tiên... có sự phát triển trội vượt và trở thành những mô hình cảng thị mới trên cơ sở những hoạt động và mối liên kết kinh tế rộng lớn với thị trường châu Á - châu Âu. Được kích hoạt bởi những giao lưu kinh tế Đông - Tây, ở trong nước, đã có sự xuất hiện của một số giai tầng xã hội mới và chính họ, ở mức độ nhất định, đã làm thay đổi cấu trúc xã hội, tư duy kinh tế truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam đã bám biển, kiến lập nhà nước, dựng xây các công trình kiến trúc kỳ vĩ từ những chất liệu, nguồn lực, tiềm năng của đại dương.