Sáng tác của cây bút Phan Khánh có khuynh hướng chuyên sâu về lịch sử. Đặc điểm này phản ánh ưu thế trội trong học vấn, tài năng, tính cách của ông. Thông thạo lịch sử, giàu có về ngôn ngữ, minh triết về tư duy, ưa thích khám phá chiều sâu hiện thực và có một trí nhớ siêu thường đáng được gọi là cường ký, Phan Khánh thật sự đẫ thể hiện những đặc điểm trội bật đó trong cuốn sách này của ông: Đỗ Thích Kỳ Án
Đỗ Thích là kẻ đã giết hai cha con vua Đinh Tiên Hoàng năm Kỷ Mão ( 979). Và Pha Khánh không phải là người đầu tiên viết về kỳ án này. Có điều là, trong khi để tâm nghiên cứu, lặn lội vào chiều rộng và bể sâu của sự việc, với phong cách riêng của mình, ông không chịu dừng lại ở bề ngoài của hiện thực, không thỏa mãn với những gì người trước đã viết mà ông cho là phi logic, quá dễ dãi, đặc biệt là trong quá trình mô tả tội phạm, nạn nhân, địa điểm, lý do xảy ra vụ án.
Trăn trở trước sự kiện chấn động lịch sử này, Phan Khánh đã cất công tìm hiểu thêm Việt Sử lược, Tống sử Giao Châu truyện cùng nhiều tài liệu văn bản khác, để từ đó và cuối cùng trình bày, miêu tả lại sự kiện, với mục đích chân thành là góp một tiếng nói nhằm khôi phục lại sự thật lịch sử như nó vốn có.
Đặt cuốn sách vào thể loại dã sử, nhưng tất cả, từ cốt truyện đến tên tuổi nhân vật cũng như âm mưu vàh ành động xâm lược nước ta của nhà Nam Hán và nhà Tống trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy đều có căn cứ từ trong sách sử chính thống và hợp với logic lịch sử. Cũng là hợp với logic lịch sử và cuộc sống, theo thiển nghĩ, khi tác giả lý giải nhân vật Đỗ Thích chính là gián điệp nhà Tống và Quận công Nguyễn Bặc, lãnh chức Điện tiền chỉ huy sứ, người chịu trách nhiệm chính về vụ án đã không bắt được Đỗ Thích nên vội vàng hủy bỏ nhân chứng giả.