Đoạn trích anh Hai:
“Sáng thức dậy tôi đã thấy mấy trái ổi chín cây thơm lừng cùng với cuốn truyện tranh mới tinh. Má nói của anh Hai “đền” cho tôi. Anh Hai với ba về nội phụ cất nhà mồ cho ông bà nội. Suốt mấy ngày thiếu vắng anh Hai, tôi bị đám trẻ xóm trên ăn hiếp, vào ra lủi thủi một mình, tự nhiên lúc đó tôi thấy nhớ anh Hai kỳ cục. Ngó thấy gương mặt rầu rầu của tôi, hình như má cầm lòng không đặng.
- Thấy nhớ anh Hai thì chút má gởi xe đò cho về nội chơi.
- Con mà thèm nhớ ảnh hả? Ảnh đi con phẻ quá trời. Con... con nhớ ba thôi.
Má nhìn tôi cười. Xe đò chạy chuyến buổi trưa ghé ngay trước ngõ, má dặn chú lơ xe đủ thứ chuyện trên đời. Má cho tôi năm ngàn tiền dằn túi và dặn đi dặn lại câu hát “Ba chờ sẵn ở quán cây me. Người lạ hỏi đừng có trả lời nghen”. Ngồi trên chiếc xe lắc lư với những tiếng ồn ào của động cơ, tiếng trẻ quấy khóc, mùi dầu gió hanh nồng, tôi chỉ muốn xe chạy thật nhanh đến nhà nội để nói với anh Hai câu nói mà nhiều ngày qua tôi vẫn còn ấm ức.
- Anh nghĩ có mấy trái ổi với cuốn truyện tranh là em chấp nhận lời xin lỗi của anh sao. Mơ đi. Anh còn nợ em dài dài...”
Đoạn trích Đón Tết nghèo:
“Nương chuẩn bị mâm cơm tất niên chờ má về nhà. Thằng Út ngó ra sân nhìn với cái tay không ngừng sờ vào bụng. Trời đã khuất mình rồi mà má vẫn chưa về, nén nhang trên bàn thờ ba cũng tàn. Từ ngày ba mất vì bị sập giàn giáo ở công trình, má thành trụ cột duy nhất trong nhà. Người đàn bà có dáng hình nhỏ thó vẫn ngày ngày lặn lội trên con đường quê với xấp vé số trên tay mặc mưa mặc gió. Hôm nào bán hết sớm, má Nương còn vào chợ phụ người ta dọn dẹp, tan buổi chợ má gom mấy rau củ bị dập, đèo đuột đem về nhà, cái nào ăn được thì ăn, cái nào hư nhiều má cho bầy heo trong chuồng.
- Em đói quá thì bới cơm ăn trước đi.
- Thôi, em đợi má về hà. Thằng Út nằm gối đầu trên đùi Nương.
- Chừng nữa lớn mình giàu, mình cất nhà cho má. Mở cái sạp vải cho má ở nhà bán cho đỡ cực hen chị Hai.
Nương vuốt tóc nó:
- Ừa, biết nói vậy thì ráng lo mà học. Nhà mình nghèo nên đừng có đua đòi theo mấy đứa khác. Má cực nhiều rồi. Mình ăn ít, mặc ít chút cho má đỡ lo.
Thằng Út lấy tay dụi mắt. Nó nằm im không nói. Phía nhà hàng xóm bắt đầu mở mấy bài nhạc Xuân nghe đến xốn xang. Nhìn nhà nhà sum họp, Nương thèm cảm giác được ngồi bên mâm cơm chiều tất niên có ba má. Có những tiếng cười rộn rã, có ba để nhắc thằng Út bỏ cái tật háu ăn, có ba để ba biết con gái thích ăn cái gì để mà gắp. Những ký ức cũ càng vẫn cứ theo mãi trong Nương, giá mà giờ này có ba thì hay biết mấy. Hổng biết giờ này ở trên trời, ba có nhìn thấy chị em Nương không. Ngày nào chị em Nương cũng ngước mặt lên nhìn trời, má nói ba ở trên trời vẫn nhìn xuống. Thằng Út thiếp đi lúc nào không hay. Nương nhìn nó ngủ ngon lành trên đùi mình đến độ tê cả chân mà Nương không dám nhúc nhích sợ làm nó thức giấc.
Con chó cò chạy lăng quăng quẫy đuôi khi nghe tiếng bước chân má về nhà. Nương lật đật ngồi dậy làm thằng Út tỉnh giấc, nó lấy tay dụi vào mắt nhìn về hướng của má.
- Sao hôm nay má về trễ vậy má? – Giọng thằng Út còn ngái ngủ.
- Má bán hết còn sớm quá nên ghé vô tiệm quần áo phụ người ta bán tiếp, rồi ở lại dọn dẹp giúp chủ tiệm. Người ta thương nên cho chị em con mỗi đứa một bộ đồ nè. Đâu mặc thử má coi.
Thằng Út hí hửng lục tung cái bọc má mang về. Mắt Nương nằng nặng nước, lúc má giũ bộ đồ ướm lên người thằng Út. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của má, Nương thấy xót quá chừng. Nương hâm lại đồ ăn rồi dọn lên bàn.
- Sao mấy đứa không ăn cơm trước đi, đợi má làm chi. Đói rồi sao?
- Có má, con mới ăn được. – Thằng Út nũng nịu.
Mâm cơm chiều tất niên thành mâm cơm đón Giao thừa. Thằng Út gắp thịt vô chén cho má, má ăn nhiều nghen má. Má nhìn nó cười hiền, con cũng ăn đi cho mau lớn để đỡ đần tiếp chị Hai nghen.
- Nó không phá con là con mang ơn nó nhiều rồi, khỏi trông mong gì nó giúp con đâu.
Thằng Út thè lưỡi về phía Nương ra chiều đắc ý. Má thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên, trong khi chị em Nương còn lăng xăng với mớ chén đũa sau nhà.
Thời khắc Giao thừa vừa điểm, ba mái đầu ngồi lặng lẽ cùng nhau trong căn nhà xập xệ. Thằng Út bóp vội vai cho má, trong khi Nương ngồi vá lại chiếc dép sứt quai của má. Tiếng gà gáy như đánh thức mọi vật từ trong bóng đêm.
Ngày mai sẽ là một cuộc hành trình với những khởi đầu mới mẻ. Bình minh sẽ lại về với xóm Rẫy, nắng Xuân ấm áp rồi sẽ về sưởi ấm những mảnh đời lẻ loi.
- Ngày mai má nghỉ đi bán một ngày nghen má...”
Đoạn trích Ngày buồn quá thể:
“Đảo một vòng quanh xóm Ruốc, với những cánh đồng mênh mông nước, mấy căn chòi giữ tôm bỏ hoang. Đất nhiễm mặn, riết rồi làm cái gì cũng thấy không đặng. Cấy lúa, lúa chết lần chết mòn. Nuôi tôm, tôm ngã nhào trong dòng nước phát sáng. Thả cua, cua buồn tình thế nào mà nằm chỏng ngược lên trời. Vậy nên mỗi khi chiều tan tầm trời còn đổ lửa, lại nghe những tiếng chửi thề lốc cốc, mẹ bà nó, riết rồi xóm Ruốc này chỉ toàn người già và trẻ con. Những con người xóm Ruốc ngược dòng thành phố vào những công ty, nhà máy hay lại bon bon trên những chiếc tàu ra biển tìm kế sinh nhai. Trong dòng người đó có Trứ, đứa trẻ nghèo mồ côi. Thứ tài sản duy nhất là căn chòi cột cặm ở đậu đất nhà người ta. Đi thì bỏ vợ bỏ quê, neo cặm lại thì lấy cái gì để ăn. Đành phó mặc cho số phận. Trời kêu ai nấy dạ. Những căn nhà cửa nẻo kín bưng, nhốt vào đó những nỗi buồn không sao kể hết.”