Huỳnh Như Phương là nhà nghiên cứu lý luận, phê bình gần như suốt đời dùng ngòi bút để đề cao, cổ vũ và dự phóng những giá trị của văn nghệ dân tộc. Tác phẩm Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn một lần nữa cho thấy ông mải mê và quyết tâm đi theo con đường đó. Ông lặng lẽ đổ một cái bóng lớn đậm trong một hành trình dài không ngưng nghỉ.
Đông đảo bạn đọc báo chí quen nhìn thấy Huỳnh Như Phương như một nhà phê bình bám sát đời sống văn học, nhất là văn học ở Sài Gòn. Nhưng giữa dòng chảy đầy áp lực của báo chí, ông vẫn điềm tĩnh giữ được vị thế riêng của mình.
Tác phẩm Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn cho thấy một phong cách khác, một diện mạo khác của Huỳnh Như Phương. Ông chọn đứng từ một khoảng cách xa hơn các đối tượng nghiên cứu, phê bình để vừa có thể nhận định, phê bình sâu sắc từ tác giả, dịch giả, tác phẩm, hoạt động xuất bản, báo chí, đến sự tiếp nhận ảnh hưởng từ nước ngoài, những hiện tượng, trào lưu văn học chính yếu, tác động của chính trị - xã hội, hoạt động phê bình, nghiên cứu, lý luận, giảng dạy…
Cuốn sách được chia làm ba phần, như là ba thao tác, ba tâm thức ít nhiều khác biệt, nhưng đều có điểm chung là sự bao dung và tinh thần nhân văn chủ nghĩa. Bao dung để có một bức tranh lớn. Tinh thần nhân văn để biến mình thành một kẻ nhạy cảm đón lấy những cái đẹp và giá trị thuộc về cõi người ta.
Không phiêu lưu tiêu biến vào những chân trời vô tăm tích, ông ở lại đây với chúng ta, thỉnh thoảng lại cất lên một mẻ lưới để chia sẻ với mọi người, như một món quà của người bạn đường văn chương.
Thật khó để tát cạn tinh thần của cuốn sách phong phú này. Có thể dễ dàng thấy cái đẹp của văn phong khúc chiết, luận điểm mạch lạc trong từng bài viết; khó hơn một chút là nhìn ra tri thức sâu rộng và chủ nghĩa nhân văn như sợi dây xuyên suốt nối các bài viết. Thiết nghĩ, bạn đọc quan tâm và cả giới chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu – lý luận – phê bình sẽ gặt hái được không ít từ tác phẩm này.