Từ bờ bên kia được đánh giá là “tuyệt tác vĩ đại mang tính bút chiến”, “giọng điệu và nội dung của nó được truyền tải rõ ràng trong trích đoạn đặc trưng (và nổi tiếng), ở đó ông tuyên bố rằng không được bắt một thế hệ phải đóng vai trò đơn thuần là phương tiện cho hạnh phúc của những con cháu xa xôi của họ”. Những suy tưởng của Herzen trong tác phẩm xoay quanh các biến cố lịch sử quan trọng ở châu Âu năm 1848: cách mạng nổ ra ở hàng loạt các nước châu Âu như Pháp, Ý, Đức nhưng sau đó đều bị thất bại. Những biến cố đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến Herzen cũng như toàn bộ phong trào cách mạng ở Nga, dẫn đến một khuynh hướng tìm kiếm một con đường riêng cho nước Nga.
“Chúng ta không xây dựng, chúng ta đang đập vỡ, chúng ta không tuyên cáo mạc khải mới mà chỉ xóa bỏ sự dối trá xưa cũ. Con người đương đại, người dựng những cây cầu vĩ đại buồn bã, chỉ dựng nên cây cầu – một người khác, người còn chưa ai biết, người thuộc tương lai sẽ đi trên cây cầu ấy. Có thể con sẽ được nhìn thấy…. Con đừng ở lại nơi bến bờ cũ… Thà chết cùng nó còn hơn là được cứu thoát trong sự che chở của phản động.
Tôn giáo cải tạo lại xã hội mai sau – tôn giáo mà cha di chúc lại cho con, tôn giáo ấy không có thiên đường, không có đền đáp, chỉ có ý thức của chính mình, chỉ có lương tâm… Đúng thời cơ con hãy về quề nhà thuyết giảng tôn giáo ấy; ở đó người ta đã từng yêu mến ngôn ngữ của cha, có thể sẽ còn nhớ tới cha…”
(Trích Gửi con trai tôi, Alexander, Từ bờ bên kia, Alexander Herzen, NXB Tri thức, 2012)