Phạm Quỳnh - Con Người Và Thời Gian
Thật là có ý nghĩa đổi mới khi đúng vào năm Thăng Long – Hà Nội tròn nghìn năm tuổi Nhà xuất bản Thanh Niên (Hà Nội) đã cho ra mắt bạn đọc trẻ cuốn Phạm Quỳnh – con người và thời gian, vỏn vẹn chưa đến 200 trang, nói về toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của một con người Hà Nội gốc, ít nhất bốn đời, sinh ra lớn lên và sống ở đây.
2010 cũng là năm thứ 65 sau khi tạ thế nhà văn hóa, học giả, nhà báo Phạm Quỳnh. Những người từng một lần thấy, nghe hoặc đọc Phạm Quỳnh trên Tạp chí Nam Phong của Ông giờ này hầu hết đã thuộc hàng U80! Những thế hệ 7x, 8x, 9x hầu như hoàn toàn không biết gì về Ông. Nay, có trong tay cuốn sách nhỏ này, các bạn trẻ có dịp làm quen với một nhân vật lớn trong lịch sử nước ta, nhất là lịch sử văn hóa, văn học nửa đầu thế kỷ XX.
Ngoài Lời mở sách, Lời cuối sách, trong gần 200 trang là các phần như sau:
Chương I: Hoa Đường đất cố hương, gồm: Từ Hoa Đường – Huế đến Hoa Đường – xứ Đông, Phong thổ Hoa Đường.
Chương II: Họ Phạm ở Hoa Đường.
Chương III: Số phận một con ngời, gồm: Nơi cất tiếng khóc chào đời, Côi cút tuổi thơ.
Chương IV: Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong, gồm: Bối cảnh ra đời, Ngọn gió nước Nam, Người gieo hạt giống quốc văn, Nhà báo có hạng, văn sĩ tài danh, Tiếng mẹ đẻ và Truyện Kiều, Tháp đa diện Phạm Quỳnh, Dũng khí và khẩu khí Phạm Quỳnh, Những tác phẩm tiêu biểu.
Chương V: Phạm Quỳnh giữa đời.
Chương VI:Bước đường hoạn lộ.
Chương VII: Những ngày ẩn dật.
Chương VIII: Ẩn tình. Phần phụ lục có bài Phạm Quỳnh – chủ báo Nam Phong của giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Thượng Chi tiên sinh của Nhà giáo dạy văn xứ Huế Nguyễn Phúc Vĩnh Ba.
Ngoài ra còn có Lược giản gia phả họ Phạm, Ngày tháng nơi sinh của Phạm Quỳnh, Về ngày mất của Phạm Quỳnh, Những mẩu chuyện về gia đình Phạm Quỳnh, Lương Ngọc vọng từ bi chí (Văn bia ghi về đình vọng Lương Ngọc), Các tác phẩm chính của Phạm Quỳnh và Tài liệu tham khảo.