Tuyển Tập Kim Lân
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1921 (28 tháng 6 Tân Dậu), tại xã Phù Lưu, huyện Từ Sơn (nay là Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp Nhất, rồi phải đi phụ việc cho các thợ đàn anh (sơn guốc, khắc tranh bình phong) để giúp gia đình kiếm sống.
Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm, lại có dịp đi đến nhiều làng xã trong vùng, nên từ hồi còn ít tuổi, ông đã có vốn hiểu biết khá dày dặn về những phong tục tập quán và tinh hoa văn hóa dân gian trong cuộc sống ở vùng Kinh Bắc quê hương ông, chuẩn bị tốt để ông trở thành nhà văn sau này với những trang đặc sắc về phong tục nông thôn Việt Nam và cả trong những bước cách mạng chuyển mình.
Đầu những năm 40, trên các báo Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc Chủ nhật, ông đã có một số truyện được đăng với tên mới là Kim Lân trong lúc còn là anh thợ sơn guốc. Ở loạt truyện này, chủ yếu Kim Lân kể lại những cảnh đời cơ khổ và một số sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (chọi gà, thả chim, đấu võ, đánh vật). Giữa cuộc sống nhọc nhằn đầy bức xúc, những trang văn ấy giúp người đọc nhận biết: sau lũy tre xanh từ bao đời nay, người nông dân sống lam lũ, cần cù, hai sương một nắng, nhưng tháng ba ngày tám và những buổi sang xuân, vẫn tổ chức những trò vui, qua đó, thể hiện sự thông minh, tài hoa, một tâm hồn tươi sáng, lành mạnh, yêu đời; những phong tục đất lề quê thói của người Phù Lưu - Chợ Giầu coi trọng lễ hội và nhân tình.
Kim Lân theo cách mạng từ năm 1944 trong Hội Văn hóa cứu quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông trở thành phóng viên các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc; và từ năm 1948 làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Thời gian này ông đã viết được truyện ngắn Làng, đánh dấu một bước chuyển của văn xuôi nước ta trên đường kháng chiến. Sau hòa bình lập lại (1954); ông lần lượt công tác ở các cơ quan văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học, báo Văn nghệ, Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, Hội Văn nghệ Hà Nội và Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Sau khi nghỉ hưu, ông sống thanh thản, hào phóng tại căn nhà nhỏ số 6 Hạ Hồi, vui tuổi già bên chim muông, cây cảnh, cổ vật, chiêm nghiệm sự đời và chứng kiến những thành tựu của lớp nhân tài mới - các con ông - nghệ sĩ Thành Chương, Nguyễn Thị Hiền...
Suốt cả một đời văn, Kim Lân chuyên viết truyện ngắn về làng quê Việt Nam - mảng sống từ lâu ông hiểu biết khá kỹ lưỡng. Sau này vẫn viết về nông thôn, ông đề cập đến sự đổi mới mặt tình cảm của người nông dân trong cách mạng và kháng chiến; sự đổi đời của họ trong cải cách ruộng đất; những hoạt động phục vụ cách mạng tuy thầm lặng, bình thường nhưng thật đáng quý trọng: ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi mà người lớn đọc cũng thích thú, say mê. Ngoài viết văn, ông tham gia đóng một số phim, chỉ ít phút xuất hiện, nhưng gây ấn tượng mạnh.