Ngô Tất Tố sinh tại làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, nay là thôn Lộc Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ông là một trong những nhà văn sáng lập trào lưu hiện thực trong nền văn học nước nhà trước năm 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như: Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng, Tập án cái đình…
Ngô Tất Tố đồng thời là nhà báo nổi tiếng với biệt tài viết tản văn và chính luận, là nhà văn hoá thành danh với các pho truyện lịch sử, khảo cứu triết học, dịch thuật, phê bình… Với tổng số hơn 30 bút danh, trên hơn 30 tờ báo, tạp chí, suốt 30 năm cầm bút viết văn làm báo, Ngô Tất Tố đã để lại hơn 1500 tác phẩm các thể loại, trong đó có 1350 di tác. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật Đợt I (1996).
Trích dẫn sách Tuyển Tập Ngô Tất Tố
Lời nói đầu
Sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố trải rộng trên các lĩnh vực: sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu.
Sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, cây bút sống trọn một Hoa giáp (1894-1954), trải rộng trên nhiều thể loại như: chính luận, bút chiến, bình luận, tản văn, phóng sự, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn, ký chân dung, thơ, thơ dịch, phê bình khảo cứu văn học, nghiên cứu triết học, phê bình dịch thuật.
Đặc điểm lớn nhất là, hầu như toàn bộ sự nghiệp sáng tác của tác giả được chuyển tải đến bạn đọc bằng cả hai kênh truyền thông chủ yếu, tuy còn sơ khai đương thời là “báo chí và xuất bản”. Trước hết, sớm hơn là trên báo chí, phương tiện có sức truyền bá rộng lớn và nhanh chóng hơn (so với xuất bản), sau đó được đưa in thành sách để lưu giữ bền vững trong đời sống xã hội.
Với hơn ba mươi bút danh, viết bài đăng trên gần ba chục tờ nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt báo, tạp chí... trong Nam ngoài Bắc đều là báo chí tư nhân nhưng hợp pháp với chính thể cai trị đương thời; đồng thời cộng tác với hơn mười nhà xuất bản cũng đều là của tư nhân trước năm 1945, Ngô Tất Tố đã tiếp cận, giao lưu, chia sẻ với bạn đọc và để lại hơn 1500 tác phẩm các thể loại bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán, với dung lượng rất khác nhau.
Nổi trội trong nghề báo của Ngô Tất Tố là kho tản văn (theo đúng chữ dùng của tác giả, sau này có ý gọi là tiểu phẩm) với tài năng thành thạo mở chuyên đề, chọn bút danh, rút “tít đề báo” độc đáo, là mảng “luận chiến xã hội” sắc sảo, đã tạo nên sân chơi hấp dẫn, sôi động trên mặt báo suốt gần hai chục năm.
Vượt trội trong nghiệp văn của Ngô Tất Tố là những tác phẩm văn học tiêu biểu, đứng hàng đầu trào lưu hiện thực của nền quốc âm mới “viết bằng tiếng mẹ đẻ”, viết bằng “chữ Quốc ngữ mới” vừa nhất sơ thành lập trong giai đoạn 1930-1945 của nền văn học nước nhà như Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng...
Ngô Tất Tố là nhà dịch thuật uyên thâm, nhà phê bình nghiên cứu sắc sảo, đặc biệt trên lĩnh vực triết học Phương Đông.
Do khuôn khổ nhất định, sách “Tuyển tập Ngô Tất Tố - Bộ mới”, chỉ giới hạn tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu lấy nguồn tư liệu xuất xứ và trích yếu từ hai bộ sách lớn vừa xuất bản trong các năm 2010 - 2014
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
NHÓM SƯU TẦM VÀ BIÊN SOẠN