Bạn Có Phải Cá Hồi Chum Không?
Tâm lí học gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân loại. Trong Kinh thánh, có câu chuyện kể về việc Adam và Eva ăn trộm trái cấm. Ngay từ rất sớm, nhân loại đã có ý thức về vấn đề “ăn trộm trái cấm”, từ đó viết trong Kinh thánh để nhắc nhở mọi người.
Tâm lí “ăn trộm trái cấm” này trong cuộc sống hiện đại càng được thể hiện một cách sâu sắc, tinh tế, và càng thêm phức tạp.
Vì sao con người thường có ý muốn “ăn trộm trái cấm”? Bởi vì “trái cấm” luôn đặc biệt thơm ngon, hấp dẫn. Càng là những việc bị cấm, càng có thể kích thích lòng hiếu kì và tâm lí chống đối của con người. Mở rộng ra từ tâm lí “ăn trộm trái cấm”, chúng ta sẽ càng phát hiện được nhiều ứng dụng của tâm lí học trong cuộc sống.
Tác dụng lớn nhất của tâm lí học đối với cuộc sống của chúng ta là, nó có thể giúp chúng ta ngộ ra nhiều điều trong cuộc sống, làm chủ cuộc sống tốt hơn.
Kì thực mỗi người trên một cấp độ nào đó đều là một nhà tâm lí học nghiệp dư. Từ khi bạn cất tiếng khóc chào đời, bi bô học nói đến lúc chập chững tập đi, bạn không lúc nào ngừng phỏng đoán về tâm tư của người khác.
Bạn biết cách giấu đồ chơi khỏi tầm mắt của các bạn nhỏ khác, thậm chí còn biết cách đánh lạc hướng suy nghĩ của họ; từ giọng nói và biểu hiện của mẹ, bạn có thể phán đoán mẹ có đang tức giận hay không, từ đó biết ngừng đùa nghịch đúng lúc; bạn còn biết, một khi “mưa ngừng nắng hửng”, thì có thể không cần an phận nữa rồi.
Những hành vi kể trên đều dựa theo căn cứ quan sát và phỏng đoán hành vi, tâm lí của người khác. Cũng có thể nói, mỗi người bình thường đều có thể suy đoán tình cảm, tư duy và hành vi của người khác ở một mức độ nào đó trong cuộc sống thường nhật. Đó là một trong những nội dung mà ngành tâm lí học và các nhà tâm lí học nỗ lực nghiên cứu và giải thích.