Không thấy có bài ký nào, dòng viết nào xa rời các nỗi đau. Hầu như không có bài nào, dòng nào xa rời truyền thống cha anh trong những ngày gian khổ cứu nước, cho dù chính tác giả đã bộc bạch vào cái thời vang lên khúc hùng ca bi tráng đó, tác giả còn ngồi ở ghế nhà trường... Trong sách, chị dành nhiều bài viết về mảng nghệ thuật, tha thiết từng câu từng chữ cho nền điện ảnh cách mạng phôi thai giữa bưng biền Đồng Tháp, cho những khúc hát vượt thời gian, cho nhạc sĩ thiên tài Văn Cao...
Ngô Ngọc Ngũ Long có lối viết ngắn gọn, cô đọng. Tất nhiên do chị chọn thể loại ký nên thể loại này đặt ra khuôn viên ấy, yêu cầu ấy, nhưng chính nhờ văn phong gọn gàng, sáng sủa pha chất trữ tình đã đem lại hiệu quả cho cuốn sách. Tôi chỉ hơi tiếc là ở dăm ba đề tài lẽ ra còn có thể nâng lên tầm khái quát cao hơn, nếu chị không bị thôi thúc bởi tính chất của đoản văn, của ký, báo chí. Ví dụ cái ký “Huyền thoại về người con gái giả trai đánh giặc” nói về chị Mười Mẫn, theo tôi dồn đặt vô một bài ký thì quá uổng, có lẽ phải làm truyện vừa hoặc truyện dài?...
ANH ĐỨC