Einstein
Viết về một con người như Einstein là không dễ tí nào, bởi vì phải lột tả cho được chân dung của một nhà khoa học đã tạo được một dấu ấn không thể phai nhoà trong toà lâu đài khoa học của loài người nhưng không chỉ là một nhà khoa học, Einstein là một con người có chính kiến và không ngừng đấu tranh để bảo vệ chính kiến của mình. Phải hiểu được làm sao một con người bẫm sinh không có gì nổi bật, mà khi trưởng thành lại trở thành một nhà khoa học có khả năng sáng tạo được những lý thuyết để khai thông một số bế tắc đang diễn ra vào những năm đầu của Thế kỷ XX.
Nguyễn Xuân Xanh với ngòi bút sắc sảo đã làm được điều không hề dễ dàng ấy, chính là lột tả được tính cách của con người Einstein, người đã phải hai lần rời khỏi nước Đức để sống tha hương, và đặc biệt lần sau là vì lý do chính trị. Giúp độc giả rút ra được những bài học bổ ích từ nhà khoa học, từ con người, từ những quan niệm về giáo dục, về cuộc sống, về bài học thành công của Einstein.
“Điều quan trọng là người ta không ngừng hỏi” - câu nói này của Albert Einstein được viết trên tấm thảm đỏ lớn tại cửa đi vào phòng hội thảo tại Viện bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin trong năm 2005 - năm được chọn làm “Năm Einstein” và “Năm vật lý” của thế giới. Nó thể hiện triết lý của Einstein đi tìm chân lý không mệt mỏi và cũng là kim chỉ nam suốt đời ông. Hơn 50 năm sau, thế giới vẫn muốn nghe lại tiếng nói thật nhất, can đảm nhất của ông như một sự nhắc nhở cho nhân loại.
(Trích Einstein - Chương I: Người mơ Mộng)