Tác giả
Ulrike Herrmann : Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ ngân hàng bà đã theo học trường Báo chí Henri-Nannen-Schule, trước khi tốt nghiệp bộ môn Lịch sử và Triết học tại Đại học Berlin. Là cộng sự viên của Hội Kober-Stiftung và sau đó là phát ngôn viên cho Krista Sager, Bộ trưởng bang Hambourg, trước khi phụ trách trang kinh tế cho nhật báo « taz » (Die, Tageszeitung) ở thủ đô Berlin. Bà đại diện tòa báo tham gia một số chương trình phát thanh và truyền hình Đức về các đề tài kinh tế và xã hội.
Trích dẫn nhập : Chiến thắng của Tư bản
Cảnh tượng trông quả là lạ mắt: suốt 297 ngày các thành viên phong trào Occupy[1] dựng lều trước Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt, và không tỏ ra nhụt chí. Họ đương đầu với mưa gió, rét mướt, cảnh sát và cả những lời lẽ vỗ về của nhân viên ngân hàng. Họ ngồi lì trên bãi cỏ sũng nước - nhưng để làm gì cơ chứ? Các thành viên này không đưa ra một yêu cầu cụ thể nào. Họ quả có trưng băng vải trên đó là hàng chữ “Phải kiểm soát ngân hàng” hay “Chúng tôi chính là 99 %”. Nhưng ngoài những điều lên án chung chung trên, họ không đưa ra chủ trương cải cách nào. Họ chỉ cảm nhận đầy lo âu rằng những thế lực tài phiệt không ai khống chế được hiện đang thống trị thế giới[2].
Các thành viên phong trào Occupy không phải là nhóm người duy nhất hoang mang về việc cần phải cải tổ cụ thể những gì. Đại đa số công dân có quyền bầu cử cũng thấy mình thiếu hiểu biết. Như nhà văn Đức Botho Strauss từng nói: “Chính trong lĩnh vực có tính quyết định đến đời sống mình nhất thì người dân lại quá thiếu hiểu biết.”[3]
Thế nhưng đồng thời ai cũng cho rằng thế giới tài chính đang hướng đến cơn khủng hoảng sắp tới. Chỉ trong vòng mười năm nước Đức đã trải qua ba cuộc khủng hoảng lớn: năm 2001 xảy ra cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán có tên Internet Bubble[4](Bong bóng Liên mạng), năm 2007 cơn lốc tài chính từ Hoa Kì đổ tới, từ năm 2010 đến nay cơn khủng hoảng đồng Euro vẫn ngày càng mạnh. Đây là một điều mới. Suốt lịch sử châu Âu chưa từng có hiện tượng xảy ra ba cuộc khủng hoảng trong vòng một thập kỉ. Các cuộc khủng hoảng lại gây thiệt hại rất nhiều. Chỉ từ năm 2006 đến 2012 người Đức đầu tư ra nước ngoài bị mất vốn khoảng 600 tỉ Euro.[5]
Thêm vào đó sẽ còn tiếp tục xảy ra những cuộc khủng hoảng mới. Từ 30 năm nay, một loại “bong bóng siêu cấp” - tên do nhà đầu tư quỹ vốn mạo hiểm người Mĩ George Soros đặt - đang được bơm lên, căng đến mức sắp vỡ. Ba cuộc khủng hoảng vừa qua có gây ra cho bong bóng vài lỗ thủng nhưng lượng khí nóng tài chính này chưa thoát ra mấy.
Người dân Đức hoang mang nhưng không mù mờ. Nhiều người vội mua nhà hay căn hộ, đầu tư vào “tài sản có giá trị thực” là loại có vẻ chắc chắn hơn. Từ năm 2010 giá bất động sản ở Đức tăng 15 %.[6] Đây là tỉ lệ trung bình tính trên cả nước, ở một số thành phố như Muenchen, Frankfurt, Hamburg hay Berlin tỉ lệ cao hơn - và sẽ còn tiếp tục tăng...
...
Quyển sách này vì thế mong diễn giải được nhiều điều, ví dụ những nguyên do vì sao:
- Chúng ta không sống trong một nền “kinh tế thị trường“.
- Các đại tập đoàn kinh doanh nắm quyền thống trị.
- Toàn cầu hóa không phải là một nguy cơ.
- Tiền chưa bao giờ thiếu cả.
- Lạm phát không là mối đe dọa.
- Chứng khoán phái sinh vốn có từ xa xưa.
- Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế năm 1929 vẫn là bài học có ích cho chúng ta.
- Trung tâm tài chính và chứng khoán phố Wall trở nên quá hùng mạnh.
- Và cuộc khủng hoảng đồng Euro đúng ra có thể giải quyết được.
Không những thế, lịch sử phát triển nền kinh tế tư bản còn cho ta biết rất nhiều điều hay. Con người bao giờ cũng tò mò muốn tìm hiểu về vàng và tiền, về sự giàu sang và quyền lực. Kinh tế không phải là một đề tài chán ngắt như nhiều người nghĩ, trái lại đó chính là cuộc sống vô cùng sôi động hằng ngày diễn ra quanh ta
Mục lục
Lời giới thiệu
Dẫn nhập: Chiến thắng của tư bản
Phần I: Tư bản bắt đầu thắng thế
Chương 1: Phép lạ tăng trưởng: Thế giới trở nên phồn thịnh
Chương 2: Người La Mã thời cổ đại ham mê tiền thật - nhưng vẫn không trở thành nhà tư sản
Chương 3: Ngẫu nhiên chăng? Vì sao Trung Hoa thời quân chủ không biết đến tăng trưởng?
Chương 4: Nước Anh là nơi chủ nghĩa tư bản ra đời chỉ với một ít vốn đầu tư
Chương 5: Nguyên tắc sao chép: người Đức vượt qua các đối thủ
Phần II: Ba điều ngộ nhận về tư bản
Chương 6: Kinh tế tư bản không phải là kinh tế thị trường
Chương 7: Kinh tế tư bản và Nhà nước không đối kháng nhau
Chương 8: Toàn cầu hóa không phải là hiện tượng mới mẻ
Phần III: Tư bản trong tương quan với tiền
Chương 9: Tiền là một bí ẩn - và không đồng nghĩa với tư bản
Chương 10: Vàng ư? Thôi ạ, xin cảm ơn
Chương 11: Nợ và tiền lãi? Vâng, rất vui lòng nhận
Chương 12: Lời ca tụng nạn lạm phát: vì sao phải giảm giá trị đồng tiền
Chương 13: Tiền đẻ ra tiền: con người từ xưa đã biết đầu cơ
Phần IV: Các cuộc khủng hoảng tư bản
Chương 14: Trước hay sau khủng hoảng mọi sự vẫn như cũ: Vì sao nền kinh tế tư bản cứ mãi gặp khó khăn
Chương 15: Chủ nghĩa tư bản sắp sụp đổ: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1929
Chương 16: Phái Tân tự do có vẻ giành thắng lợi: Điều gì xảy ra kể từ năm 1973 đến nay?
Chương 17: Khủng hoảng tài chính từ năm 2007: Để ngân hàng vỡ nợ không phải là giải pháp
Chương 18: Một cuộc khủng hoảng không có tiền lệ: Cuộc khủng hoảng đồng Euro
Chương 19: Tiền không đem ra ăn được: Cách người dân Đức cứu tài sản của mình
Viễn cảnh: Tư bản trên đường suy vong
Lời cảm tạ
Tài liệu tham khảo
Điểm nhấn
…. Chủ nghĩa tư bản hiện đại rõ ràng là một hiện tượng mang tính lịch sử, nhưng trong lí thuyết kinh tế học lại chỉ được xem như một quy luật tự nhiên, có thể dùng vô số công thức toán học để dẫn chứng. Nghe qua ta có cảm tưởng, nhân loại trước sau gì cũng phải đi đến chủ nghĩa tư bản. Đây cũng là một nhầm lẫn hay gặp.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại không phải là một biến thể của thế giới vật lí, nó ra đời một cách phải nói là ngẫu nhiên. Đó là một thành tựu văn hóa và có lẽ là phát minh gây nhiều kinh ngạc nhất của nhân loại. Bởi vì chủ nghĩa tư bản là hệ thống năng động đầu tiên mà con người sáng tạo ra. Và một khi kinh tế đã bắt đầu phát triển thì không có gì kìm hãm tiến trình này được nữa. Những cuộc khủng hoảng vẫn thường xảy ra, nhưng sự phát triển về kĩ thuật công nghệ vẫn tiếp diễn chứ không phải đã đến hồi kết thúc với việc phát minh ra Liên mạng (Internet).
(Trích: Tây Âu trong tiến trình phát triển kinh tế - Con đường đưa thế giới đến thịnh vượng , Ulrike Herrmann , Võ Thị Kim Nga , NXB Tri Thức 2014)