“Tôi giống như lũ trẻ sinh ra vào Chủ nhật: nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy được.”
- E.T.A. HOFFMANN
Có lúc, nhìn lên bầu trời qua cửa sổ căn phòng áp mái, chàng nghĩ, rằng công việc ở nhà hát sẽ chẳng bao giờ hanh thông, rằng cô học trò Julia xinh đẹp, giọng hát như thiên thần, mà chàng xấu mã, lại nghèo. Julia không lâu sau bị gả đi xa cho gã nhà buôn ngốc nghếch giàu có. Hoffmann rồi rời bỏ Bamberg đã trở nên lạnh lẽo để đến Dresden, Leipzig, Berlin… suýt trúng bom trong thời gian diễn ra những trận đánh cuối cùng của Napoleon.
Số phận nghiệt ngã, nhưng cũng biết mủi lòng, có lẽ vào khoảnh khắc chàng nhạc trưởng hẩm hiu cầm cây bút lông ngỗng chấm mực. E.T.A. HOFFMANN – vì đó chính là chàng - trở thành nhà văn Đức nổi tiếng. Trên trang giấy, những quả chuông thủy tinh rung lên trong trẻo, nàng rắn xanh giữa tán lá cất tiếng thì thầm; tiên nữ Hoa Hồng Đẹp xuất hiện ban vận may cho bà mẹ nông dân khốn quẫn có đứa con quái dị; và sau tiếng chuông đồng hồ điểm giấc đêm, đồ chơi trong tủ bước ra, Chàng cắn hồ đào biến thành hoàng tử, cô bé Marie đáng yêu được đưa đến xứ sở ngọt ngào…
Suốt 200 năm qua,Chiếc âu vàng, Zaches tí hon mệnh danh Zinnober, Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột (đã được chuyển thể thành balet Kẹp hạt dẻ lừng danh, âm nhạc P. I. Tchaikovsky) - đại diện cho nhiều cổ tích siêu thực kinh điển Đức kỳ lạ của E.T.A. HOFFMANN, vẫn không ngừng thôi miên người đọc bằng “những sức mạnh phi lý mà trí tuệ không thể thấu hiểu và lý giải”.