Người Hungary – số lượng chỉ khoảng 10 triệu người - sở hữu 15 giải Nobel, trong thế kỷ 20 đóng góp cho khoa học và văn hóa nhân loại tương đương nước Đức 60 triệu người, đồng thời là những người ít nói, những cao bồi cô đơn, những kẻ ba hoa, ngông nghênh, nóng nảy trong quán rượu, những bà già ngồi lê đôi mách có thể thay thế hoạt động của cơ quan KGB hay CIA, những người khảng khái, những kẻ ranh ma… Đó là muôn sắc thái diện mạo tích cực lẫn tiêu cực của những người Hung có tổ tiên đã đi hàng trăm năm trên lưng ngựa từ châu Á sang châu Âu và dừng chân ở đất nước hiện tại mà chúng ta nhìn thấy trong Người Hungary – họ là ai? của Lackfi János.
Người Việt đọc Người Hungary – họ là ai? – cuốn sách tự trào hài hước, tự phê phán, tự nhận biết của người Hung, không chỉ là cùng du hành vui vẻ hoặc có lúc ưu sầu qua trang giấy, khám phá tính cách đặc trưng, biết thêm về những thành tựu, về tâm hồn, lối sống, cách làm việc, những tập tục lâu đời, những chuyện bình thường và khác thường của người Hung từ xưa lẫn nay… mà còn là soi chiếu, trông người ngẫm lại ta, và chắt lọc tinh hoa tô điểm cho diện mạo chính mình ngày càng sáng hơn lên. Tại sao không?