Có Được Là Người
Mô tả ngắn gọn như một biên bản nhưng chạm tới những chiều sâu siêu hình nhất của tâm hồn con người, Có được là người sừng sững trong lịch sử văn học như một trong những tác phẩm lớn lao nhất mà con người có thể viết về Lò Thiêu. Không chọn cách bỏ trốn hay quên lãng, Primo Levi nhất định đứng ở phía bên này của thiện và ác, mang lại cho chúng ta một cái nhìn từ bên trong Lager khủng khiếp và từ bên trong chính những con người từng trải qua nó.
Cái ác mà Primo Levi cùng những người bạn tù Auschwitz từng biết là sản phẩm của cả “bọn Đức thời đắc thắng” lẫn “bọn Đức bại trận”; điều khó khăn nhất mà Có được là người nêu lên nằm ở chỗ: làm thế nào để tin được rằng chuyện ấy đã thực sự xảy ra?
Primo Levi (1919-1987) sinh tại Turin , là người Ý gốc Do Thái. Ông là nhà hóa học, hoạt động trong phong trào chống phát xít “Công lý và Tự do”. Bị Đức Quốc xã bắt cuối năm 1943, ông bị chuyển qua một số trại tập trung, cuối cùng là Auschwitz . Tại đây, ông trở thành nhân công tại nhà máy sản xuất cao su nhân tạo Buna, một kế hoạch sản xuất vừa tham vọng vừa điên rồ, ảo tưởng của phát xít Đức. Levi may mắn được chuyển vào làm việc trong phòng thí nghiệm hóa học, có một số ưu tiên nhất định so với các tù nhân khác.
Đến gần ngày quân Đồng minh tiến vào giải phóng Auschwitz , Levi bị ốm và được đưa vào trạm xá của trại, tức Ka-Be. Quân Đức sơ tán toàn bộ những người còn chút sức lực trong trại, bỏ lại những ai ốm yếu. Cùng vài người bạn tù trong trạm xá, Levi đã trụ được cho tới lúc quân Đồng minh đến. Toàn bộ câu chuyện này được kể lại trong Có được là người . Sau khi thoát khỏi Auschwitz, Primo Levi còn phải trải qua một cuộc hành trình gian khổ trước khi về được tới Turin quê nhà vào tháng Năm năm 1945.
Có được là người xuất bản vào năm 1947 nhưng không mấy được chú ý, cả chục năm sau đó nó mới được “phát hiện” và nhanh chóng trở thành một hiện tượng lớn của văn chương thế giới. Primo Levi còn là tác giả của không ít tác phẩm văn học khác. Năm 1987, ông tự sát tại nhà riêng, cái chết của ông cho đến giờ vẫn được coi là một bí ẩn.