Nhật Bản là một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới với nguồn vốn dồi dào, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm quản lý hiện đại và hiệu quả. Là nước xuất khẩu vốn khổng lồ, với hơn 1 nghìn tỉ USD đầu tư trực tiếp ở nước ngoài nên Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trên con đường đi lên trở thành một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, Nhật Bản đã phải trải qua hai cuộc tái thiết đất nước vô cùng quan trọng, diễn ra vào thời kỳ Phục hưng Minh Trị năm 1868 và diễn ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cả hai lần tự tái thiết này, Nhật Bản đã tạo ra một nỗ lực to lớn để du nhập, làm chủ, cải tiến, thay đổi công nghệ và bí quyết ngành công nghiệp của phương Tây. Và nhờ đó, Nhật Bản dường như trở nên bất bại trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.
Tuy nhiên, từ năm 1990 trở về đây, nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phát triển chậm lại, đặc biệt là vị trí đứng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ đang bị đe dọa thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Hoạt động đổi mới sáng tạo của Nhật Bản cũng có dấu hiệu đi xuống vào đầu những năm 1990 mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã hết sức nỗ lực tăng gấp đôi chi tiêu dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Một phần nguyên nhân là Nhật Bản chỉ tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực ôtô và điện tử mà bỏ qua những lĩnh vực khác có quy mô toàn cầu và lại những lĩnh vực đòi hỏi đầu tư cao cho nghiên cứu và phát triển như dược phẩm, công nghệ sinh học, phần mềm và dịch vụ máy tính. Đứng trước nguy cơ này, câu hỏi đặt ra là liệu Nhật Bản có cần một cuộc tái thiết nữa hay không? Và nếu cần thì phải tái thiết như thế nào
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về phát triển nước Nhật Bản, Thái Hà Books và NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chấn hưng Nhật Bản: Làm cách nào Nhật Bản có thể tự tái thiết và tại sao điều này lại quan trọng với Hoa Kỳ và thế giới của tác giả Clyde Prestowitz.
Cuốn sách được chia thành 10 chương và được viết theo phong cách hết sức độc đáo. Thay vì mô tả đất nước Nhật Bản của hiện tại sau đó đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách,… thì ở đây, tác giả đã phác họa một bức tranh về đất nước Nhật Bản trong tương lai của năm 2050, một đất nước đã được tái thiết lần thứ ba với rất nhiều sự thay đổi cả về kinh tế – xã hội và chính trị, chẳng hạn như GDP tăng 4,5%/năm, vượt xa so với bất kỳ nước lớn nào và gần gấp đôi GDP của Trung Quốc; dân số có chiều hướng tăng lên và vượt mức 150 triệu người; phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, sinh nhiều con hơn;… và đáng ngạc nhiên hơn là Nhật Bản trở thành quốc gia nói tiếng Anh! Có thể thấy đây là một đất nước trong tương lai hoàn toàn thay đổi so với Nhật Bản của hiện tại. Tưởng như cuốn sách mang đến một câu chuyện giả tưởng song đó lại chính là những thông điệp, những lời khuyên và những kỳ vọng của tác giả, một người Mỹ đã từng có thời gian dài sinh sống và học tập tại Nhật Bản, dành cho đất nước này.
Mục lục:
Những lời khen tặng dành cho Chấn Hưng Nhật Bản
Lời Nhà xuất bản
Giới thiệu: Nền tảng của cuốn sách
Chương 1: Tokyo, năm 2050
Chương 2: 2016 – Năm của những cuộc khủng hoảng
Chương 3: Hòa bình kiểu Thái Bình Dương
Chương 4: Phụ nữ giải cứu đất nước
Chương 5: Nhật Bản trở thành nước nói tiếng Anh
Chương 6: Quốc gia đổi mới sáng tạo
Chương 7: Tự chủ về năng lượng
Chương 8: Tập đoàn Nhật Bản đến tập đoàn Đức – với những đặc trưng Nhật Bản
Chương 9: Đánh bại kẻ trong cuộc
Chương 10: Đi lên với dân, đi xuống với quan
Kết luận: Tại sao Nhật Bản lại là vấn đề đáng quan tâm với Hoa Kỳ và thế giới?
Lời cảm ơn