Dẫn nhập
Phương pháp luận dân dã (ethnométhodologie/ethnomethodology) là một trường phái xã hội học Mĩ ra đời trong những năm 1960, đầu tiên được thiết lập tại trường Đại học California sau đó đã lan sang các trường đại học khác của Mĩ và châu Âu, nhất là các trường đại học của Anh và Đức. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp luận dân dã không được công chúng Pháp biết đến cho tới khi một số bài viết căn bản và các bình luận về nó dần xuất hiện nhiều hơn. Nhưng hơn hai mươi lăm năm sau khi ra đời, công trình Studies in Ethnomethodology (Những nghiên cứu trong phương pháp luận dân dã) của nhà tiên phong Harold Garfinkel vẫn chưa được dịch sang tiếng Pháp. Chỉ có một số bài dịch hiếm hoi các văn bản liên quan đến phương pháp luận dân dã được phổ biến rải rác trên một số tạp chí khoa học.
Tầm quan trọng về mặt lí thuyết và nhận thức luận của phương pháp luận này nằm ở việc nó thực hiện một sự đoạn tuyệt triệt để với các lối tư duy xã hội học truyền thống. Hơn cả một lí thuyết, nó là một góc nhìn nghiên cứu, một vị thế tri thức mới.
Sự xuất hiện của phương pháp luận dân dã trong nền văn hóa của chúng ta báo hiệu một sự đảo ngược thật sự trong truyền thống xã hội học. Sự đảo ngược này có vị trí quan trọng trong việc mở rộng tư tưởng xã hội. Ngày nay, người ta đặt tầm quan trọng nhiều hơn cho phương pháp thông hiểu đối chọi với phương pháp giải thích, lối tiếp cận định tính về xã hội đối chọi với hội chứng định lượng (quantophrénie) của những nghiên cứu xã hội học trước đây.
Nghiên cứu của phương pháp luận dân dã được thực hiện xoay quanh ý tưởng, mà theo đó chúng ta đều là “những nhà xã hội học ở trạng thái thực hành” theo như công thức tuyệt diệu của Alfred Schütz. Hiện thực được dân chúng mô tả. Ngôn ngữ đời thường nói lên hiện thực xã hội, đồng thời mô tả và tạo dựng cái hiện thực xã hội ấy.
Đối chọi với định nghĩa của Durkheim vốn xem xã hội học được xây dựng trên sự đoạn tuyệt với lẽ thường tình (sens commun), phương pháp luận dân dã chứng minh rằng chúng ta có khả năng nhận biết một cách tinh tế về điều chúng ta làm nhằm tổ chức sự hiện hữu xã hội của chúng ta. Bằng cách phân tích những thực hành tại đây và vào lúc này vốn luôn được định vị bởi những mối tương tác, phương pháp luận dân dã gắn với những trường phái khác cũng nằm bên lề của nền xã hội học chính thống, đặc biệt là xã hội học can thiệp (sociologie d’intervention) vốn cũng đề cao việc mọi nhóm xã hội có khả năng tự hiểu mình, tự bình luận và tự phân tích.
Trường phái mà chúng tôi giới thiệu ở đây không phải là một trường phái ngoài lề [của xã hội học]. Thậm chí theo Richard Hilbert, nó có mối liên hệ rất mạnh giữa phương pháp luận dân dã với nền xã hội học của Durkheim và Weber. Phương pháp luận dân dã không tách rời với toàn bộ nghiên cứu trong các khoa học xã hội. Trái lại, nó có mối liên hệ đa dạng với những trường phái khác vốn đang nuôi dưỡng cho tư duy hiện nay của chúng ta về xã hội như trường phái mác-xít, hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh và tương tác luận.
2. Mục lục
Dẫn nhập
Chương I. NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG
1. Parsons và lí thuyết về hành động
2. Schütz
3. Tương tác biểu tượng
Chương II. LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO PHƯƠNG PHÁP LUẬN DÂN DÃ
1. Năm 1949: Các loại tội phạm liên sắc tộc và việc định nghĩa tình huống
2. Năm 1952: Luận án của Garfinkel
3. Cicourel và việc tạo dựng “mạng lưới”
4. Phổ biến tri thức
5. 1967: Cuốn sách nền tảng
6. Sự phát triển của phong trào
7. Phổ biến ra nước ngoài
Chương III. NHỮNG KHÁI NIỆM THEN CHỐT CỦA PHƯƠNG PHÁP LUẬN DÂN DÃ
1. Thực hành, hoàn thành
2. Tính trực chỉ
3. Tính phản tư
4. Tính có thể mô tả (accountability)
5. Khái niệm thành viên
6. Những kĩ thuật phân loại thành viên
Chương IV. XÃ HỘI HỌC BÌNH DÂN VÀ XÃ HỘI HỌC CHUYÊN NGHIỆP
1. Tri thức thực tiễn và tri thức khoa học
2. Tác nhân xã hội không phải là kẻ ngu xuẩn văn hóa
3. Khách quan luận và chủ thể luận
4. Phương pháp giải thích bằng tư liệu
5. Một cuộc thí nghiệm
6. Thực hành chuyên nghiệp
7. Lí luận xã hội học thực hành và việc phân tích hội thoại
Chương V. VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP
1. Tư thế về “sự thờ ơ của phương pháp luận dân dã”
2. Thách thức thực nghiệm
3. Đóng góp phương pháp luận của Cicourel
4. Phương pháp luận dân dã, dân tộc học mô tả
kiến tạo và xã hội học định tính
Chương VI. LÀM VIỆC TRÊN THỰC ĐỊA
1. Giáo dục
2. Tội phạm vị thành niên
3. Đời sống ở phòng thí nghiệm
4. Bộ máy hành chính
Chương VII. PHÊ BÌNH VÀ TÁN ĐỒNG
1. Bản luận tội
2. Hiểu sai nghĩa
3. Một giáo phái?
4. Một khảo luận tổng hợp
5. Chủ nghĩa Marx và phương pháp luận dân dã
6. Viễn cảnh và giao thoa
KẾT LUẬN
THƯ MỤC THAM KHẢO
3. Điểm nhấn
"Kẻ lệch lạc là người bị chiếm đoạt, bị cách li, bị gán vết nhơ. Đây là một trong những ý tưởng mạnh nhất của lí thuyết gán nhãn khi cho rằng các lực lượng của sự kiểm soát xã hội, bằng cách gán cho một số người là những kẻ lệch lạc, khẳng định họ là những kẻ lệch lạc vì quá trình gán vết nhơ gắn với sự gán nhãn ấy. Đến mức có thể nói rằng, sự kiểm soát xã hội tạo ra và củng cố những hành vi lệch lạc, trong khi nó được tạo ra là nhằm chống lại, cô lập và loại trừ những hành vi ấy: người ta trở thành điều mà chúng ta mô tả".