“Nói lão Khoa “Hầu chuyện Thượng Đế”, nghe cứ rợn cả người. Có phải ai cũng hầu Ngài được đâu. Muốn cắp tráp theo Ngài thì chí ít cũng phải là ông Tiên, bà Tiên, hay các bậc tu hành đã đắc đạo. Đằng này, lão lại là người trần mắt thịt, tướng mạo xấu xí, mồm phồng mũi tẹt, tóc tai bờm xờm. Người đâu mà cứ tròn ùng ục như cái bình vôi. Bạn đọc dễ tính nhất cũng đâm ra nghi ngờ: “Không khéo cái lão già này say rượu rồi, ăn nói linh tinh quá. Thượng Đế là đấng Tối thượng, đấng Thần linh, đâu có thể đem ra cớt nhả, sàm sỡ. Mà cứ nói càn, nói nhảm, không khéo Ngài vật chết! ”
Ối chao, nghĩ đến đã kinh! Hầu chuyện Thượng Đế không phải là sân khấu riêng của lão già Trần Đăng Khoa, để lão nói một mình, hay vừa ôm đàn vừa hát. Đây là cái sân chung, giành cho các Thượng đế gặp mặt giãi bày những vấn đề, những câu chuyện mà các Vị quan tâm.
Hầu chuyện Thượng Đế đã được in rất nhiều bản. Lần tái bản này, lão có bổ sung ba bài đã đăng Văn học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ, nhân đó sắp xếp thứ tự các bài thành từng cụm đề tài, để các Vị dễ theo dõi hơn. Một số nhà văn nhà thơ có tên trong tập này, chủ yếu là có trong sách giáo khoa. Nhưng một số nhà thơ nhà văn rất nổi tiếng khác có trong sách giáo khoa mà không có trong tập này, vì lão Khoa không nhận được câu hỏi gửi đến của các vị Thượng Đế để lão có cớ mà hầu chuyện. Có thể là lần sau chăng?
Đơn giản chỉ có vậy. Nào, bây giờ, chiếu lão đã rải ra rồi! Xin mời các “Thượng Đế” xuống ngự và cho lời “chỉ giáo”. Xin cứ tha hồ cật vấn! Nếu điều gì lão biết, lão sẽ thưa thốt. Còn không thì lão cũng xin“dựa cột” để nghe.”
Sách được tái bản lần 5.