Ghi Chép Lang Thang
Không chỉ là một bác sĩ với những chuyến đi khám chữa bệnh cho người nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, Đỗ Hồng Ngọc còn là một nhà thơ, nhà văn với nhiều xúc cảm về cuộc sống. Bắt đầu những chuyến đi, những ghi chép lang thang đích thực về cảnh, về người, chuyện mình, chuyện người. Từ La Gi đến Phan Thiết, núi Tà Cú, xuống Vũng Tàu rồi ngược lên Đà Lạt, leo lên Bà Nà rồi về Đà Nẵng, ra Huế, đi Sa Đéc… những chuyến “giang hồ… vặt” ấy mang lại cho tác giả bao nhiêu kỷ niệm.
Những chuyện ngày xưa, ngày nay; bạn mới, bạn cũ cũng những cảnh đẹp, cảm nhận về những địa danh đều được tác giả viết ngắn gọn mà thân tình, êm ái. Đó chỉ là những câu chuyện nho nhỏ, mỗi nơi mỗi nỗi nhớ riêng, “mới thôi mà đã 60 năm!”. Đúng chất ghi chép, quyển sách còn ghi lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ của tác giả về những ngày làm việc, những ngày đang sống của mình. Từ những buổi sinh hoạt văn nghệ, những ghi chép vội vã về những chuyến đi, những ngày lang thang Sài Gòn để nhớ chuyện cũ, người xưa… mới thấy tác giả đi nhiều, gặp nhiều và “cảm” nhiều chuyện mình, chuyện người.
"Rất tâm đắc những “ghi chép lang thang”, nhất là những ghi chép về Huế, Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Bà Nà… giúp người đọc hiểu rằng mỗi tấc đất quê hương đều là cẩm tú để rồi háo hức tìm thăm, để rồi yêu thương gắn bó”.
(Độc giả Lê Uyển Văn - Trà Vinh)