Ký Thác là tập truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, có thể nói Ký thác là một tập sách mà truyện nào cũng ý vị và trao chuốt công phu. Tất cả những truyện trong tác phẩm đều là những chuyện có nghĩa lý cùng cách hành văn vừa kỹ lưỡng, vừa phóng túng. Cách kể tự nhiên như giọng của một người trải đời, trải việc, không làm bộ làm điệu mà có duyên ngấm ngầm. Nhưng sâu thẳm hơn, đó là tấm lòng, là sự thôi thúc của người cầm bút. Như tác giả ý tứ trao gửi thông điệp qua truyện ngắn Lầu 3 phòng 7: “Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không thì giã từ văn chương vậy. Lắm khi đã có cái ấy trong lòng rồi mà nó không cắn rứt mình, không kêu gào đòi chun ra lắm, thì cũng không thể sáng tác được. Em có cái gì trong bụng không?”
Những ghi chú về thời gian cho thấy, hầu hết những truyện ngắn trong tập sách này được viết từ sau năm 1954, tức sau Hiệp định Genève. Đây là khoảng thời gian có những nhạy cảm nhất định về chính trị. Sự xáo trộn trong đời sống thị dân, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Sài Gòn, vừa là đề tài, vừa là sự thôi thúc cho một văn tài nặng nợ với quê hương như Bình Nguyên Lộc.
Ký thác chắc chắn là cuốn sách bạn nên đọc nếu bạn là một người yêu văn chương, yêu cái phong vị một thời quá khứ đã xưa đầy hoài niệm.