Trí Huệ Để Lại Cho Đời
Tái bản tự truyện, phiên bản cập nhật cuối đời, nhân ngày sinh lần thứ 95 của cố Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê : Trí Huệ Để Lại Cho Đời
Ngày 24/6/2015, GS.TS Trần Văn Khê qua đời để lại một mất mát to lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là nền âm nhạc nước nhà. Bởi GS.TS Trần Văn Khê không chỉ là người có công đầu trong việc quảng bá nền âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới mà còn là “một nhà văn hóa phi thường”. Trong hơn 90 năm, Giáo sư đã để lại một kho tư liệu đồ sộ, không chỉ về âm nhạc truyền thống Việt Nam mà còn là văn hóa Việt Nam mà suốt một đời ông đã miệt mài nghiên cứu. Trong những tư liệu quý giá đó, còn có một tư liệu quan trọng không kém, đó chính là cuộc đời của Giáo sư với những bài học, kinh nghiệm sống của ông qua hai thập kỷ. Tất cả được gửi gắm trong cuốn sách Tự truyện Trần Văn Khê – Những câu chuyện từ trái tim. Tự truyện Trần Văn Khê – Những câu chuyện từ trái tim được Công ty Văn Hóa Sáng Tạo Trí Việt First News xuất bản vào tháng 7 năm 2010 nhân dịp Giáo sư tròn 90 tuổi.
Quyển sách đã phác họa một cách giản dị, ấm áp chân dung một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt với gần 15.000 cuốn sách qua 5 lần tái bản. Quyển sách đã mang lời động viên chân tình đến những ai đang đối diện với bão táp cuộc đời, hay đang chùn bước trong hành trình chinh phục ước mơ hoặc đang băn khoăn trước những ngã rẽ cuộc sống. Đặc biệt, lần tái bản thứ 6 này với phần bổ sung “Những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời tôi” được GS.TS Trần Văn Khê viết vào những tháng cuối đời với 11 chọn lựa mang tính quyết định của cuộc đời Giáo sư.
Phần bổ sung với hơn 12000 từ là những câu chữ tâm huyết mà Giáo sư chắt lọc để gửi tới bạn đọc như lời mở đầu ông viết: “Trong đời sống, mỗi một con người đều có hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, công việc khác nhau và tính cách khác nhau, do đó đường đời của mỗi người không phải ai cũng như ai. Người có ý chí hoặc can đảm thì có thể tự quyết định lấy cuộc đời mình, đi theo đam mê và vun trồng cho tương lai, cho đời sống của mình theo như những gì mình mong muốn. Người rụt rè buông xuôi thì phó mặc cho số phận hoặc trò may rủi. Quan trọng nhất là phải biết chọn lựa cho bản thân những gì cần thiết để đi tới mục đích cuối cùng mà mình đang hướng đến.”
Trong lần tái bản đặc biệt này, quyển sách được mang tên “Trí Huệ để lại cho đời”, bởi tầm vóc và sức ảnh hưởng của Giáo sư Trần Văn Khê vô cùng to lớn, khó ai thay thế được. Giáo sư không chỉ để lại TRÍ với số lượng kiến thức, tài liệu khổng lồ về âm nhạc và văn hóa Việt Nam, mà còn là HUỆ bởi một nhân cách lớn, một trái tim rộng mở mà ông để lại cho thế hệ sau. “Trí Huệ để lại cho đời” được tái bản vào đúng ngày sinh của ông, ngày 24/7/2015 và cũng là một tháng sau ngày ông mất.
Quyển sách là sự tưởng nhớ cũng như tri ân đặc biệt dành cho con người đầy tài hoa và đức độ này. Cuộc đời GS.TS Trần Văn Khê là hành trình phong phú với bao điều thú vị, thăng trầm; khởi đầu bằng việc bén duyên rất sớm với âm nhạc truyền thống, rồi vượt qua bao nhiêu trở ngại để yêu bằng trọn vẹn tâm hồn, hiến dâng tất cả trí huệ, tâm huyết cho người tình âm nhạc. Quyển Tự truyện được viết dành cho các bạn trẻ, với những bài học, kinh nghiệm suốt cuộc đời và đặc biệt là chặng đường hơn 50 năm bôn ba nước ngoài.
Sách ra đời từ tâm nguyện của GS.TS Trần Văn Khê muốn sẻ chia đến người trẻ những thông điệp tu thân, thích nghi và vượt lên hoàn cảnh khó khăn, xác định mục tiêu cuộc đời, sống hết mình với những ước mơ đẹp, làm chủ bản thân trước những cám dỗ. Sách gồm 12 câu chuyện là những trải nghiệm sinh động của GS.TS Trần Văn Khê, trải dài từ thuở ấu thơ ở làng Vĩnh Kim (tỉnh Tiền Giang), sớm mồ côi cha mẹ, đến tuổi thanh niên ấp ủ bao hoài bão, từ chuyến đi rời xa đất nước vào năm 1949 đến hành trình khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đó còn là hình ảnh GS.TS Trần Văn Khê với những nghĩ suy “rất đời” về “hỷ, nộ, ái, ố”, một người cha với phương pháp dạy con đáng để các phụ huynh suy ngẫm; một tinh thần lạc quan, say mê làm việc dẫu đang chống chọi với nhiều căn bệnh…
Ở mỗi một câu chuyện, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận thấy những thông điệp sống giản dị được đúc kết từ một cuộc đời được bao người trân quý, ngưỡng mộ. 12 câu chuyện gồm: Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi, Những bài ca cho bịnh tật, Học như thể đời chẳng dài lâu, Tự lực cánh sinh, Làm chủ bản thân, Tùy cơ ứng biến, Yêu đờn như yêu người, Việt Nam luôn trong tim, Dạy con bằng trái tim tỉnh táo, Yêu chiếc áo dài để thêm hiểu mình là ai,Hạt ngọc tâm hồn mang tên khiêm tốn, Cố gắng ứng đối trọn vẹn với người.
GS.TS. Trần Văn Khê trong lòng người Việt và văn hóa Việt
* Ảnh "đi" rồi… Ở mỗi tọa đàm, GS Khê gần như không chuẩn bị trước chủ đề và in sẵn các phát biểu của mình. Vậy mà, với bất cứ chủ đề gì như: cân bằng âm dương trong dinh dưỡng, so sánh các món ăn truyền thống VN với các nền ẩm thực Âu-Á trên thế giới, sự tương đồng của dàn nhạc ngũ cung với các dàn nhạc dân tộc truyền thống trên thế giới... hay biểu diễn (độc tấu và hòa tấu), GS Khê đều nói rất chuyên môn, rất khoa học và rất thuyết phục với sự say sưa hiếm có và một ngôn ngữ truyền tải ấm cúng, ngôn từ dễ nghe. Điều đó, đã như mê hoặc người nghe, bất kể tầng lớp xuất thân như thế nào... Ảnh "đi" rồi, không biết bao nhiêu thế hệ nữa, dân tộc Việt mới sản sinh ra một người con tài năng, nhiệt huyết với nhạc dân tộc? (Nhà văn Vũ Hạnh)
* Hồn nghệ sĩ hòa vào hồn dân tộc Với âm nhạc dân tộc, với nền kịch nghệ Việt Nam, nhất là ca kịch sân khấu, tôi nghĩ GS.TS Trần Văn Khê như một cuốn từ điển. Từ tư liệu lịch sử, câu chuyện và giai thoại về nghề - nghiệp - người cho đến hệ thống mang tính từ chương của mỗi loại hình nghệ thuật, cấu trúc nghệ thuật lẫn kỹ thuật trong sáng tác, biểu diễn, thưởng lãm đều được ông lưu giữ, hệ thống và xâu chuỗi một cách khoa học, kết nối và có tính thuyết phục cao. Tùy vào cấp độ, nhu cầu tìm hiểu mà bạn sẽ được “từ điển sống” ấy giải mã, cung cấp trữ lượng thông tin và nhất là - sức hút trong diễn đạt, truyền tải của ông - đó là một nghệ thuật. Ông là một “quái kiệt” ở khía cạnh này. Văn hóa - nghệ thuật là một dòng chảy bất tận. Một trong những đóng góp không nhỏ của GS.TS Trần Văn Khê đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà là trong những thời điểm ít nhiều còn “bế quan, thông qua ông (và bây giờ là sự tiếp nối của con trai ông cùng các thế hệ cộng sự - học trò của ông), văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đã đến với năm châu, để từ đó họ yêu hơn, cảm mến hơn và hiểu hơn một xứ sở Việt Nam, một tâm hồn và sức mạnh nội sinh của Việt Nam. (NSND.TS Bạch Tuyết)
* Một nguyện ước lớn lao của Giáo sư chưa thực hiện được "Với tôi, GS Khê là một con người đã vắt kiệt hết máu tủy để giữ gìn, phát huy và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt không chỉ trong nước mà còn nhiều nơi trên thế giới. Sự công nhận ca nhạc tài tử Nam bộ của Việt Nam là di sản phi vật thể phải gìn giữ của nhân loại mà UNESCO đã vinh dự trao cho Việt Nam, là công lao rất lớn của GS Trần Văn Khê. Tôi còn được biết, sau khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử, ông đã bắt tay ngay vào soạn một bộ hồ sơ chuẩn bị trình cho UNESCO về nghệ thuật cải lương, môn nghệ thuật đã có hơn 100 năm hình thành và phát triển để họ công nhận đó là tài sản phi vật thể cần bảo tồn của nhân loại. Tiếc thay, công trình này vẫn còn dang dở và cũng không biết ai có thể có khả năng kế thừa để soạn xong một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Có lẽ còn rất lâu sau này. Tôi ở BCH Hội âm nhạc TPHCM, Hội Nhạc sĩ VN nên cũng nghe và hiểu nỗi đau đáu của ông từ khi ông về nước. Đó là làm sao đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy ở nhà trường, từ cấp 1 trở lên, để cho các thế hệ mai sau này, dù có đi theo các trào lưu âm nhạc thời thượng trên thế giới thì cũng biết nghe, biết cảm, biết trình tấu âm nhạc dân tộc. Đó là nguyện ước lớn lao của ông mà ông chưa thực hiện được, dù đã bỏ biết bao tâm sức. (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên)
* Một cuộc đời viên mãn… Gần gũi, thâm trầm, nghiên cứu uyên thâm, mang âm nhạc dân tộc ra phổ biến với bạn bè thế giới, GS Trần Văn Khê khiến ta thêm yêu âm nhạc Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông đã sống một cuộc đời viên mãn, ít gây tranh luận hơn nhưng cũng đầy thăng trầm, nhiều hoài bão. Ông chạm tay vào những đỉnh cao nhất của cuộc đời nghiên cứu, đã để lại hậu thế một di sản đồ sộ, đã nếm trải nỗi cô đơn tận cùng của một vĩ nhân. Xin thành kính phân ưu cùng gia quyến và mong thầy yên nghỉ. (Nhà báo Trần Minh, báo Bóng Đá)
* Giúp ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt Hơn 2 giờ sáng đêm qua, Sài Gòn đổ một cơn mưa lớn. Mình tỉnh dậy đóng cửa sổ, cảm thấy mát dịu và thư thái. Sáng ra mới đọc tin GS Trần Văn Khê vừa qua đời vào khoảng thời gian đó ở Sài Gòn…Trong bài điểm sách Những câu chuyện từ trái tim của giáo sư Trần Văn Khê, tôi đã chia sẻ rằng: “Ông làm cho ta tin hơn vào vẻ đẹp của văn hóa Việt, từ những chi tiết ứng xử rất nhỏ, như khi ông từ chối lời mời ăn của ông thủy sư đề đốc Pháp muốn chuộc cái lỗi đã dám coi thường âm nhạc Việt:“Người Việt Nam chúng tôi không phải ai mời ăn cơm cũng ăn, bởi chúng tôi chỉ ăn với những người mình thương yêu, tâm đầu ý hiệp”.Về tình yêu, ông quan niệm rõ người đàn bà của mình phải như thế nào, “tôi không đặt cái đẹp lên hết thảy, nhưng ít nhất phải dễ coi. Tôi thích cái duyên hơn cái đẹp. Cái duyên làm cho mình mến, mình muốn gần…”.Ông dành nhiều trang để kể về cuộc tình một đêm với một cô vũ nữ, hay mối tình ngắn ngủi với một người bạn gái, chỉ để nói rằng ông cũng biết mở lòng ra để tận hưởng tình yêu, nhưng không bao giờ để tình yêu vượt qua lý trí. Ông thuật lại cách đối xử sao cho trọn vẹn với người bạn gái, cô vũ nữ và ngay cả với người vợ cũ (mà ông gọi là mẹ của các con tôi), vì thế họ vẫn giữ được tình cảm và quan hệ tốt đẹp với ông. Ông chia sẻ rằng: “hạnh phúc tuy không phải bao giờ cũng hoàn toàn nhưng vẫn là hạnh phúc. Tuy ông và vợ đã chia tay, nhưng hai người vẫn quý trọng nhau, các con ông đều trưởng thành và thành đạt. Phải chăng cuộc sống quanh ta đầy rẫy số phận, những hoàn cảnh tương tự, những cái rất không trọn vẹn nhưng vẫn đẹp và đáng trân trọng. Những bí mật như vậy thật đáng tìm hiểu, chứ đâu phải là những mảng tối khác của đời sống mà không ít lần ta trà dư tửu hậu để chuyện phiếm với bạn bè. Những câu chuyện từ trái tim vượt qua tầm của một cuốn tự truyện để trở thành một tác phẩm văn học có giá trị, khi ta mở bất cứ trang nào cũng thấy những chi tiết thấm đậm tình người. Tôi vẫn tin rằng duyên may trong cuộc sống không phải bao giờ cũng tới và nếu tới chưa chắc đã trọn vẹn, nhưng trái tim vẫn đập hằng ngày. Lắng nghe nhịp đập của trái tim sẽ khiến ta sống khoan dung, bình an và có hi vọng. (Chị Lã Hoa – TP.HCM)
* Một người thầy vĩ đại! Đã từng có dịp được gặp mặt, trò chuyện, tôi đã học hỏi được ở thầy - giáo sư Trần Văn Khê rất nhiều điều không chỉ về vốn kiến thức uyên bác, đồ sộ về âm nhạc Việt Nam và thế giới, về văn hóa Việt Nam mà còn là từ một nhân cách lớn, một tấm lòng đau đáu về nền văn hóa dân tộc, âm nhạc dân tộc. Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa thế giới và được quốc tế biết đến rộng rãi là có công lớn của giáo sư. Đó thực sự là một người thầy vĩ đại! Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Người! (Minh Giang - news.zing.vn)
Về tác giả - Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê: - Ông sinh ngày 24 – 7 – 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay) trong gia đình bốn đời nhạc sĩ. Lên 6 tuổi biết đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc…
- Năm 1941: Thi đậu Thủ khoa Tú tài - Năm 1949: Sang Pháp, học tại Viện Khoa học Chánh trị Paris.
- Năm 1951: Tốt nghiệp Khoa học Chánh trị, Khoa giao dịch Quốc tế.
- Từ năm 1954 đến 1958: Học Đại học Văn Khoa Paris, Viện Âm nhạc học (Đại học Sorbonne)
- Năm 1958: Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Khoa Âm nhạc học. Đề tài luận án: “La musique Vietnamienne Traditionnelle” (Âm nhạc truyền thống Việt Nam).
- 1959 – 1988: Làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (Pháp).
- Từ năm 1969, ông chỉ đạo nghiên cứu và làm giám khảo cho 40 cuộc thi cao học và tiến sĩ tại Đại học Sorbonne.
- Từ 1970 – đến nay: Dạy thỉnh giảng cho các trường đại học, thuyết trình và giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên đài truyền thanh, truyền hình tại nhiều nước trên thế giới.
- Ông từ trần ngày 24 – 6 – 2015 trong niềm tiếc thương vô hạn và là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.