Tục Ngữ - Ca Dao - Dân Ca Việt Nam là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong sự nghiệp trước tác của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, người được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) cho chính tác phẩm này. Cuốn sách được ông dày công sưu tầm, khảo cứu trong suốt những năm tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ khi chuyển sang làm công tác nghiên cứu văn sử địa, và hoàn thành công trình của mình vào năm 1956.
Có thể nói, đây là công trình để đời của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan. Bên cạnh phần tuyển chọn công phu về tục ngữ, ca dao, dân ca vô cùng đa dạng và phong phú của dân tộc Việt Nam ta (trong đó có cả của một số dân tộc ít người), cuốn sách còn có phần nghiên cứu đầy tâm huyết của tác giả về loại hình văn học dân gian này. Đặc biệt, phần biên khảo về dân ca với các loại hình như hát trống quân, hát xẩm, quan họ, hát ghẹo Phú Thọ, hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca Nam Bộ... rất có giá trị.
“Với vốn kiến thức bao gồm cả cũ, mới, đông, tây và với tác phong làm việc chuyên cần, nghiêm túc, thận trọng. Vũ Ngọc Phan là người rất thích hợp với lĩnh vực nghiên cứu Văn học dân gian. Cuốn Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam là công trình khoa học được đánh giá cao, là cuốn sách chính thức được dùng làm tài liệu nghiên cứu Văn học dân gian và giảng dạy Văn học dân gian trong nhà trường.” - Giáo sư Hoàng Như Mai