“Ba giờ đêm, dưới phố, lại lào xào một cuộc hành binh dài dặc, về làng… Tôi tỉnh giấc. Sứa nằm thiêm thiếp bên vai tôi. Tôi nghe tiếng Sứa thở. Tôi vuốt nhẹ, dọc cái lưng trần. Vuốt nhẹ. Tôi nhớ cặp đùi. Khi nãy, nó giãy. Nó giãy cuống quýt. Tôi đưa tay vuốt. Sứa vẫn thiêm thiếp. Tôi vuốt. Căn buồng đỏ mênh mông. Tôi vuốt sự ngây thơ rơm rớm. Con nai nằm nghiêng đùi hơi co. Tôi vuốt… Dưới phố, những ki lô mét hành quân… Tôi vuốt. Sứa tỉnh dậy. Sứa thẹn. Sứa co người lại. Tôi vuốt. Con nai ngây thơ của tôi ơi! Tôi vuốt con nai bị thương của tôi. Rơm rớm… Rơm rớm…”
Khi kiến Gầy phải lòng một cô gái vú vểnh, và sục sạo đến tận nhà của cô nàng, tức biệt thự Đá Đỏ, để tìm hiểu và tỏ tình, anh chàng không sao ngờ được cuộc chinh phục của mình lại có thể gian nan đến thế và nhất là, có thể bị chia cắt đến như vậy. Bởi cuộc chiến. Tình yêu của kiến Gầy, như của bao nhiêu người-kiến kiến-người khác, đã bị chiến tranh tràn qua, như một cơn hồng thủy.
Đêm núm sen, hơn cả một cuộc phiêu lưu vào một thế giới giả tưởng, nơi mà cuộc sống cá nhân, bị nghiền nát và cuốn đi bởi chiến tranh, bởi đời sống tập thể, trước hết, là một cuộc trình diễn ngôn ngữ của một tác giả mà từ vựng là của thi ca và cảm xúc là của thi sĩ. Ai có thể tả những phấp phỏng, thẹn thùng, nhớ nhung, đay khổ, say đắm như Trần Dần?
Tranh vẽ minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long cho tác phẩm
Ai có thể tả đêm núm sen phập phồng cảm xúc và sexy như Trần Dần? Với Đêm núm sen, sự viết của Trần Dần một lần nữa khẳng định rằng tiếng Việt đẹp thế nào và vì sao ông vẫn là một thành lũy vời vợ Chẳng phải vậy ư, khi những trang bản thảo ố vàng, tìm được đường trở lại sau hơn nửa thế kỷ bị cất giấu, bị gián nhấm và thất lạc, vẫn tỏa nguyên một “quyền lực man mác” lên chúng ta hôm nay.