Văn học Việt Nam thời xưa có nhiều tác phẩm có giá trị to lớn về mặt nhân văn và nghệ thuật, đã được công nhận và chứng thực qua thời gian. Bộ sách Việt Nam danh tác bao gồm loạt tác phẩm đi cùng năm tháng như: Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Việc làng (Ngô Tất Tố), Gió đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân). Hy vọng bộ sách sau khi tái bản sẽ giúp đông đảo tầng lớp độc giả thêm hiểu, tự hào và nâng niu kho tàng văn học nước nhà.
Trích đoạn
“Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm.”
Thông tin tác giả
Sinh (1910 - 1942) tên thật là Nguyễn Tường Vinh, là nhà văn Việt Nam nổi tiếng thời tiền chiến. Trong 32 năm tại thế ngắn ngủi, Thạch Lam đã lưu lại dấu ấn không thể phai mờ trên văn đàn. Sau khi đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học, bắt đầu làm báo và trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn, bên cạnh hai người anh trai là nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo. Ban đầu, Thạch Lam phụ trách biên tập cho hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay của văn đoàn, về sau trở thành chủ bút của tờ Ngày nay. Cuối thập niên 1930, Thạch Lam ra mắt các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), và truyện dài Ngày mới (1939).
Văn phong Thạch Lam nổi bật với những câu chữ dịu dàng, tình cảm, thâm trầm và sâu sắc. Ngòi bút Thạch Lam hướng đến những phận đời đau khổ trong xã hội, đặc biệt là những nỗi đau về mặt tinh thần của người trí thức trong xã hội Việt Nam trước năm 1945. Ngoài sở trường truyện ngắn, Thạch Lam còn viết bình luận văn học với tập Theo giòng (1941). Tùy bút Hà-nội băm sáu phố phường của Thạch Lam được nhà xuất bản Đời Nay in năm 1943, một năm sau khi tác giả mất vì căn bệnh lao phổi.