Mở cuốn sách mới của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, bạn sẽ gặp những cái tên quen thuộc của những người nổi tiếng ngay trang 5 trang trọng đề tặng “các bạn văn hữu”: nhà thơ Bùi Chí Vinh, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà phê bình Huỳnh Như Phương, nhà báo Nguyễn Công Khế, Kim Hạnh, … Tuổi niên thiếu của “những thằng quỷ nhỏ” trong truyện có gắn gì với họ không, có phải là họ không, chỉ họ và tác giả mới biết, nhưng bạn đọc thì có thể tưởng tượng ra một nhóm - thân thiết, bắt đầu lớn, biết thinh thích con gái và ngập mộng văn chương.
Chuyện của bút nhóm học trò, truyện nằm trong truyện, những cơn giận dỗi ghen tuông bạn gái bạn trai với nhau, nhiều nhất vẫn là chuyện nhà trường có các cô giáo hơn trò vài tuổi coi trò như bạn, có thầy hiệu trưởng tâm lý và yêu thương học trò coi trò như con…Trở lại với đề tài học trò, hóm hỉnh và gần gũi như chính các em, Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn sẽ được các bạn trẻ vui mừng đón nhận. Cứ lật đằng cuối sách, đọc bài thơ tình trong veo là có thể thấy điều đó “…Khi mùa xuân đến / Tình anh lại đầy / Lá nằm trong lá / Tay nằm trong tay”.
“Viết cho trẻ con giờ khó hơn xưa. Có hàng bao nhiêu là món giải trí rầm rộ, hoành tráng và lộng lẫy dọn sẵn, muốn thu phục “lũ tiểu yêu” thế kỷ 21 này, nhà văn không chỉ thông thuộc mặt bằng hiểu biết của chúng, mà còn phải tâm tình được với chúng bằng tốc độ của chúng. Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là một người lớn chấp nhận tham dự món du hành tốc độ cao cùng lũ trẻ. Thời thong thả đạp xe, từ tốn khuyên bảo đã qua rồi. Thực ra Nguyễn Nhật Ánh đã biết đi tàu tốc hành từ hai thập niên trước, khi nhữngKính vạn hoa, Thằng quỷ nhỏ, Bàn có năm chỗ ngồi… đem lại cho văn học thiếu nhi một diện mạo mới mẻ, những câu chuyện tưởng như ấm ớ ngày này qua tháng khác nhưng sao hôm nay nhìn lại, những người đã từng là trẻ con thấy nhớ quá..” - VIỆT TRUNG, báo Thanh Niên
“Bước vào khoảng trời của tuổi biết buồn, Nguyễn Nhật Ánh đã ghi lại những bâng khuâng rung cảm đầu đời. Trong tâm tưởng của các em, bây giờ không chỉ nghĩ về cái gì mà còn nghĩ về ai, về một người khác giới cụ thể nào, và về cả bản thân, thế giới ấy tràn ngập những câu hỏi xôn xao về cái-gọi-là-tình-yêu. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa vào những câu hỏi lớn, muôn thuở, quen thuộc - những câu hỏi mà dường như trong đời ai cũng từng đối diện ít nhất một lần. Vì thế, trong khi độc giả thiếu niên phục lăn vì nhà văn đi guốc vào bụng họ, thì độc giả người lớn mỉm cười mơ màng nhớ lại một thời thơ dại..." - TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN, nhà nghiên cứu văn học
Thông tin tác giả
Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim.
Ông lần lượt viết về sân khấu, phụ trách mục tiểu phẩm, phụ trách trang thiếu nhi và hiện nay là bình luận viên thể thao trên báo Sài Gòn Giải phóng Chủ nhật với bút danh Chu Đình Ngạn. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,...
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ tên Thành phố tháng tư (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1984, in chung với Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (Nhà xuất bản Măng Non, 1984). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác về đề tài thanh thiếu niên.
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối của ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải Nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam.
Năm 2004, Nhật Ánh ký hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 4 phần mang tên Chuyện xứ Lang Biang nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Đây là lần đầu tiên ông viết một bộ truyện hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. Vì vậy, để chuẩn bị cho tác phẩm này, ông đã phải mất 6 tháng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo liên quan như Phù thủy và Pháp sư, Các huyền thoại phương Đông, Ma thuật và thuật phù thủy...
Sau Chuyện xứ Lang Biang, tác phẩm tiếp theo của ông là bút ký của một chú cún có tên Tôi là Bêtô.
Năm 2008, ông cho ra đời tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, được báo Người lao động bình chọn là tác phẩm hay nhất năm 2008.
Năm 2012, Nhật Ánh cho ra mắt truyện dài Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ. Các tác phẩm ra đời gần đây nhất là Ngồi khóc trên cây (tháng 6 năm 2013), Chúc một ngày tốt lành (tháng 3 năm 2014), Bảy bước tới mùa hè (tháng 3 năm 2015), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (28 tháng 2 năm 2016), Cây chuối non đi giày xanh (7 tháng 1 năm 2018) và Làm bạn với bầu trời (tháng 9 năm 2019).