Bằng nghệ thuật tái hiện khoáng đạt, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lật lại lịch sử thời kì cuối đời nhà Trần, góp thêm tiếng nói khám phá xã hội và con người Hồ Quý Ly - một nhân vật mà hơn 600 năm qua vẫn còn nhiều tranh cãi về ông. Hơn thế, cuốn tiểu thuyết còn là bức tranh đẹp về Thăng Long ngàn năm văn hiến với những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt thôn dã, những lễ hội dân gian, những phong tục tốt đẹp... được lưu truyền hay đã bị mai một theo năm tháng.
Trong lần in thứ mười hai này, Hồ Quý Ly được in bìa cứng, trang trọng, rất phù hợp để trong Tủ sách gia đình hay quà tặng bạn bè một tác phẩm xuất sắc mang tầm thời đại của lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Nhà xuất bản Phụ nữ xin trân trọng được giới thiệu cùng bạn đọc.
Thông tin tác giả
Sinh (1933 - 2021) tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì đi theo kháng chiến, tham gia bộ đội. Hòa bình lập lại, ông công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rồi báo Thiếu Niên Tiền Phong nhưng sớm nghỉ hưu từ năm 1973. Trong thời gian làm báo, ông đã bắt đầu viết văn, viết biên khảo. Năm 1963, ông cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên có tên Rừng sâu.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu cuộc đời nghèo khó của mình cùng hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ và cần mẫn, chuyên tâm hơn bên những trang viết đêm đêm. Hình ảnh ông đạp máy khâu, viết hàng ngàn trang tiểu thuyết luôn được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc nhắc tới với niềm tôn kính sâu sắc. Những bộ tiểu thuyết đồ sộ liên tiếp ra đời nhưng phải kiên nhẫn nằm trong ngăn kéo đợi nhiều năm sau mới được xuất bản. Sáng tác của ông theo hai thể loại là tiểu thuyết văn hóa lịch sử và tiểu thuyết phúng dụ. Nổi tiếng nhất trong mảng tiểu thuyết văn hóa lịch sử có Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa.