Sau Chiến tranh thế giới lần II, việc nghiên cứu về Minh Trị Duy tân đã đạt được những thành tựu to lớn. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, Minh Trị Duy tân không chỉ là sự kiện lật đổ chính quyền Mạc phủ, thiết lập chính quyền Minh Trị, mà là một chuỗi cải cách kéo dài gần 30 năm, làm biến đổi sâu sắc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa Nhật Bản, đưa Nhật trở thành quốc gia “phú quốc cường binh”, một kỳ tích của châu Á và nhân loại nửa sau thế kỷ XIX.
Vì thế, khi viết về các nhân vật kiệt xuất của Minh Trị Duy tân, chúng ta không chỉ đề cập đến các nhân vật lịch sử có công trong việc lật đổ chế độ Mạc phủ và bước đầu xây dựng chính quyền Minh Trị mà cả các nhân vật lịch sử có công trong việc xây dựng đất nước “phú quốc cường bình”. Hơn nữa, không chỉ đề cập đến các nhà hoạt động chính trị, quân sự mà cả các nhà tư tưởng và các nhà doanh nghiệp có công lao to lớn cho sự nghiệp duy tân.
Sau khi khảo sát các nhân vật lịch sử thời Minh Trị Duy tân và tham khảo nhiều cách phân chia của các bậc soạn giả người Nhật, có tham khảo đến cách đánh giá của các học giả phương Tây (Mỹ, Anh, Australia) và Trung Quốc, GS Nguyến Tiến Lực đã lựa chọn 10 nhân vật tiêu biểu để đưa vào trong cuốn sách này. Mười nhân vật này là:
- Yoshida Shoin, Sakamoto Ryoma (hai nhân vật có tầm nhìn trước thời đại, đặt nền móng “đảo Mạc” và giúp liên kết các Han tạo lực lượng chủ lực cho công cuộc lật đổ Mạc phủ Tokugawa thành công;
- Nhóm “Duy tân tam kiệt” gồm Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi - có công lớn nhất cho giai đoạn “Tôn Hoàng đảo Mạc” (lật đổ Mạc Phủ, lấy lại quyền lực về tay Thiên hoàng) và đầu thời kỳ Minh Trị Duy tân;
- Nhóm “Duy tân ngũ kiệt mới” gồm Iwakura Tomomi, Ito Hirobumi, Okuma Shigenobu, Fukuzawa Yukichi và Shibusawa Eiichi - 5 nhân vật đặt nền móng xây dựng một nước Nhật hiện đại ở các lĩnh vực nội chính, ngoại giao, kinh tế, tài chính-tiền tệ, giáo dục…
Cùng với Khái lược văn minh luận, cuốn sách này cũng xuất bản nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018).