Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của học giả Hữu Ngọc vừa là một cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hóa Việt, một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ về văn hóa xứ sở tiên rồng.
Bộ sách được chia làm 3 tập: Đất Việt (103 bài), Lịch sử - Truyền thống (150 bài) và Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật (122 bài).
Hi vọng cuốn sách sẽ đem lại cho bạn đọc “cái thú” khi là người Việt tìm hiểu về văn hóa Việt qua một cuốn sách khởi nguyên dành làm cầu nối giới thiệu đất nước, con người Việt tới bạn bè quốc tế. Lần giở Lãng du trong văn hóa Việt Nam, biết đâu bạn đọc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa - những điều chưa trải, những điều trải chưa sâu, những vẻ đẹp không nhiều khi rực rỡ mà lắm lúc vì quá bình dị và quen thuộc nên chưa được lưu tâm. Qua đó, mong rằng bạn đọc sẽ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hóa dân tộc, để bước vào thời kì hội nhập “hòa nhập nhưng không hòa tan”, hiểu văn hóa xứ sở mình song hành cùng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
“… Tiếng Đức có từ Wanderlust nghĩa là “khát vọng lãng du”,“thèm đi”. “Lãng du”, “thèm đi” là bệnh chung của các văn nhân nghệ sĩ Đông Tây xưa và nay…” - Nhà văn hóa HỮU NGỌC -