Giới thiệu sách
Phật Giáo Lào Dưới Góc Nhìn Văn Hóa
Phật Giáo Lào dưới góc nhìn văn hóa - Tái bản lần 1 năm 2020
“Lịch sử tồn tại và phát triển của đạo Phật ở Lào luôn gắn liền với vận mệnh thịnh suy của quốc gia, của dân tộc Lào. Khi quốc gia thịnh vượng thì đạo Phật cũng được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập và chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng lâm cảnh nô lệ, nó chỉ còn tồn tại trong lòng dân Lào. Trải qua hàng trăm năm tồn tại trên đất nước Lào, Phật giáo đã trở thành một phần lịch sử Lào, gắn bó keo sơn với dân tộc, với đất nước Lào. Thật không dễ dàng với những ai chưa có sự nghiên cứu tìm hiểu đầy đủ về lịch sử - văn hóa Lào mà có thể phân biệt được nghi thức này là phong tục tập quán của người Lào và tục lệ kia được tạo lập do nhưng quy định của Phật giáo”.
“Có nhiều góc độ khác nhau để phân kỳ lịch sử Phật giáo Lào, ở đây tác giả xin mạo muội phân theo tiến trình văn hóa Lào. Đó là Phật giáo ở thời kỳ du nhập vào Lào ứng với giai đoạn văn hóa Khúnbulôm – Khúnlo; Phật giáo ở thời kỳ xây dựng và phát triển của vương quốc Lào Lạnxạng (từ giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX) ứng với giai đoạn văn hóa Lào Lạnxạng; Phật giáo ở thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1893 đến năm 1975 ứng với giai đoạn văn hóa vương quốc Lào; và Phật giáo ở thời kỳ xây dựng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ năm 1975 đến nay ứng với giai đoạn văn hóa hiện đại.
Từ cơ sở trên, chúng ta hãy lần lượt đi qua các giai đoạn thăng trầm lịch sử Lào để tìm hiểu đạo Phật đã uyển chuyển kết hợp giáo lý vào đời như thế nào để giúp nhân dân viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc, cho đất nước Lào” – Nguyễn Văn Thoàn
Lời giới thiệu
Công trình đang có trong tay bạn đọc là kết quả của một luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học. Những hiểu biết về Lào và Phật giáo Lào của tác giả không chỉ là những sưu tầm, khai thác trong sách vở, từ các tư liệu thành văn, mà đặc biệt và thú vị hơn, tác giả đã cung cấp cho chúng ta một nguồn tư liệu sống, đầy tính hiện thực và mang hơi thở điền dã. Tác giả có bề dày nhiều năm sống trên đất Lào, trong nhiều ngôi chùa Lào, từ Bắc, Trung đến miền Nam Lào để cảm nhận, tìm tòi và hơn thế để “nói” lên cái hồn của Phật giáo Lào.
Đó là một nền Phật giáo đã được dân tộc hóa, địa phương hóa. Sự gắn kết của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian đã tạo cho Phật giáo ở Lào một tính cách đặc thù, đã trở thành hệ tư tưởng chính, chi phối cuộc sống của người dân.
Nhiều năm sống và cảm nhận cái đẹp, cái “lạ” của Phật giáo Lào, tác giả đã chuyển tải đến bạn đọc một dung lượng thông tin vô cùng phong phú. Từ nét riêng trong kiến trúc, trang trí, tượng thờ của ngôi chùa Lào đến những sinh hoạt, nghi lễ độc đáo, vừa gắn với yếu tố tín ngưỡng – tôn giáo lại vừa thể hiện nghi thức nông nghiệp của cư dân Đông Nam Á. Lễ hội ở tháp Luổng còn mang tính đặc thù, biểu trưng cho sự thống nhất đất nước Lào.
Tuy nhiên, thế mạnh của tập sách không chỉ là hơi thở của điền dã. Hàng trăm công trình viết về Lào đã được tác giả tham khảo, kế thừa, để chuyển tải đến bạn đọc bằng một giọng văn chân thật và sống động.
Tìm hiểu Phật giáo Lào để thấy được nét riêng có của nó, không giống với Phật giáo Thái Lan, với Phật giáo Campuchia,… những nước cận kề với Việt Nam, và cũng để cảm nhận sâu sắc hơn về tính chất đặc thù độc đáo của Phật giáo Việt Nam, để càng thấy rõ hơn tính gần gũi của đạo Phật khi đến từng quốc gia, đã hòa quyện vào trong tín ngưỡng, phong tục của từng dân tộc, nhưng vẫn giữ được nét riêng có của từng dân tộc, thể hiện sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của cư dân lúa nước.
Từ sức lôi cuốn của những đặc thù trong Phật giáo Lào, từ sự đa dạng, phong phú trong đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Lào được thể hiện qua công trình, xin vui mừng giới thiệu đến bạn đọc.
TS. Trần Hồng Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dân tộc & Tôn giáo - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Lời nói đầu
Ngay khi còn là các bản mương, cư dân các bộ tộc Lào đã đón nhận đạo Phật từ bi vào xứ sở của mình. Qua thời gian, Phật giáo có một sức sống mãnh liệt, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của dân tộc Lào. Đối với mỗi người dân Lào từ khi chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều gắn bó mật thiết với ngôi chùa, với nhà sư. Cho đến ngày nay, người Lào vẫn quan niệm nếu người nào chưa vào chùa học chữ, học đạo lý thì người ấy vẫn chưa được xem là người chín chắn. Cho nên, đối với mỗi người dân Lào, đặc biệt là thanh niên, việc khoác áo cà sa, dẫu chỉ một ngày, được xem như giấy chứng nhận trưởng thành của anh ta đối với cộng đồng. Là những nông dân theo đạo Phật, người Lào không quan tâm và cũng không hiểu được nhiều triết lý, vũ trụ luận, nhận thức luận hay cõi Niết Bàn xa xôi. Mặc dù, cuộc sống của họ không biết bao nhiêu lần đến chùa nghe sư tăng giảng giải giáo lý, song dường như họ đều xem đạo Phật là đạo lý, là cách xử thế mà cái cốt lõi là lòng từ bi, vị tha và tu nhân tích đức.
Trải qua nhiều thế kỷ du nhập và phát triển trên đất nước Lào, Phật giáo đã được dân tộc hóa, địa phương hóa và quần chúng hóa sâu sắc. Ngược lại, không ít tín ngưỡng cổ của dân tộc Lào mang đậm dấu ấn Phật giáo. Phật giáo đã để lại ở đây một sắc thái riêng biệt trong thờ cúng, trong sinh hoạt,… Nét riêng đó chính là bản sắc văn hóa Phật giáo ở mỗi nước, mỗi dân tộc trên bước đường truyền bá, đồng thời cũng thể hiện quá trình phát triển của mình. Phật giáo ở Lào không đơn thuần là một tôn giáo mà là sự hiện thân của văn hóa và lối sống của người Lào. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như giới sư sãi Lào khẳng định, Phật giáo gần như đã trở thành một phong tục tập quán của nhân dân Lào, một Phật giáo mang sắc thái Lào.
Nghiên cứu Phật giáo Lào là góp phần tìm hiểu tiến trình phát triển của lịch sử đạo Phật ở Lào, vai trò của đạo Phật trong đời sống văn hóa – xã hội của người Lào, làm rõ tính địa phương và tính dân tộc của đạo Phật ở Lào. Mặt khác, tìm hiểu tiến trình tồn tại và phát triển của đạo Phật ở Lào qua từng giai đoạn lịch sử, để thấy được những đặc điểm, những yếu tố, những điều kiện tác động đến sự phát triển của đạo Phật và sự tác động qua lại giữa đạo Phật với các hình thức tín ngưỡng dân gian. Đồng thời, cũng là góp phần tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong mối quan hệ giữa nhà nước phong kiến Lạnxạng với đạo Phật.
Nghiên cứu văn hóa tôn giáo chính là nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể của văn hóa. Đạo Phật là một hiện tượng văn hóa phổ biến nhất ở Lào nói riêng, trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Tác giả chọn Phật giáo Therevada ở Lào để tìm hiểu, qua đó thấy được những điểm tương đồng và khác biệt của văn hóa Phật giáo ở mỗi nước, nhằm góp thêm viên gạch nhỏ vào sự nghiệp nghiên cứu Phật giáo ở Lào nói riêng và Phật giáo ở Đông Nam Á nói chung trong lúc đề tài Phật giáo ở Đông Nam Á đang trở thành nguồn cảm hứng của những nhà nghiên cứu tôn giáo và sắc tộc ở Đông Nam Á hiện nay.
Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa học của mình, tác giả không đi sâu nghiên cứu và lý giải về giáo lý của Phật giáo Lào, cũng như đi sâu vào các loại hình thực hành nghi lễ, tu hành cùng các loại kinh kệ Phật giáo đang phổ biến ở Lào. Tác giả chỉ chú ý đến quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo trong tiến trình lịch sử đất nước Lào, những đóng góp của Phật giáo và ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đến đời sống cư dân Lào Lùm ở Viêngchăn.
Nguyễn Văn Thoàn
Sách Phật Giáo Lào Dưới Góc Nhìn Văn Hóa của tác giả Nguyễn Văn Thoàn, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark