Giới thiệu sách
Phan Bội Châu Tự Phán
Phan Bội Châu tự phán được viết vào năm 1929 theo lời tựa của cụ Huỳnh Thúc Kháng viết năm 1946, bằng chữ Hán. Theo Chương Thâu, hiện có 2 “bản gốc” chữ Hán, bản 1: ký hiệu VHV 2138 (thư viện Khoa học - nay là thư viện Viện Hán Nôm), và bản gốc thứ 2 được phát hiện ở Huế sau năm 1975. Về các bản sao, cũng theo Chương Thâu, có cả thảy đến 14 bản, trong đó có bản của Huỳnh Thúc Kháng chép lại, chữ hơi thảo (theo Nguyễn Văn Xuân, trong bài đăng ở tạp chí Bách Khoa Sài Gòn số 396). Bản chữ Hán mà chúng tôi dùng để hiệu khảo bản dịch, được GS Vĩnh Sính, Đại học Alberta - Canada gởi tặng; được giáo sư gọi là bản Huỳnh Thúc Kháng nhưng theo giáo sư, đối chiếu với thủ bút của Phan Bội Châu, thì bản này “có lẽ do chính cụ Phan Bội Châu tự mình chép lại”.
Còn bản dịch thì nên chọn bản của Phạm Trọng Điềm - Tôn Quang Phiệt, hai nhà Nho tên tuổi. Đây là một bản dịch khá trung thành với nguyên tác, tuy vẫn có những nhược điểm là bỏ sót nhiều đoạn, hoặc có một số nhầm lẫn. Chẳng hạn, trong bản chữ Hán viết rõ “lãnh binh Nguyễn Mục”, bản dịch lại ghi “linh mục Thời”, “Pháp quốc dương hành” là nhà băng (ngân hàng) Pháp (ở Hồng Kông) thì lại dịch “hiệu cơm Tây”)… Một số nhầm lẫn như vậy không làm giảm giá trị bản dịch, mà vẫn truyền đạt được văn phong Phan Bội Châu. Sau khi đối chiếu lại với các bản dịch khác, chủ yếu là bản chữ Hán, bản tiếng Anh của Vĩnh Sính, và bản trong Phan Bội Châu toàn tập của Chương Thâu, chúng tôi dùng bản dịch này. Chúng tôi cũng in kèm bản chữ Hán để bạn đọc có điều kiện nghiên cứu và thưởng thức tác phẩm quan trọng này của Phan.
Tựa
Tôi bị bắt từ nước ngoài đem về, phải giam ở ngục. Nhờ quốc dân quá thương nên mới giữ được chút hơi tàn đến nay, để cùng các bạn thân yêu đã xa cách nhau vài chục năm nay, lại được cùng nhau nhắc nhở chuyện cũ. Có người yêu tôi, có người ghét tôi, có người mong đợi ở tôi, nhưng dù biết tôi hay không biết tôi, ai cũng muốn biết rõ đầu đuôi cái lịch sử của Phan Bội Châu này cả…
… Được các bạn thân nhiều lần thúc giục bảo tôi trước khi chết phải kịp viết xong quyển sử của tôi nên tôi xin vâng mệnh viết ra thiên này gọi là bản “Tự phán”.
1- Sách Tây nói: không đem máu rửa bằng máu thì không cải tạo được xã hội - dịch nguyên văn.
2- Đối với người quá thật, cho rằng thiên hạ không người nào là không thể tin được, đó là tội thiếu cơ cảnh, thiếu quyền thuật.
3- Xét việc, xét người chỉ chú ý vào những việc lớn, còn việc nhỏ thì phần nhiều tự ý mà làm, nên nhiều lúc vì cớ nhỏ mà hỏng việc lớn. Đó là tội sơ suất không cẩn thận. Ba điểm nói trên là những chỗ kém dở lớn nhất tự thấy đau lòng, không thể nói ra hết được ở đây.
1- Tôi có tính mạo hiểm dám làm cái “dầu ngàn vạn người ta cũng cứ qua” nhất là trong lúc thanh niên lại càng hăng hái lắm.
2- Giao thiệp với người, nếu được nghe một lời nói hay cũng trọn đời không quên. Những lời trung thực, tha thiết, bao giờ tôi cũng vui vẻ tiếp thu.
3- Suốt đời đã mưu tính việc gì cốt nhằm mục đích giành được thắng lợi trong những phút cuối cùng, dù có phải thay đổi thủ đoạn, phương châm cũng không ngần ngại.
Ba điểm trên đây tôi tự cho là có một chút sở trường đáng ghi. Ai hiểu tôi, ai trách tôi, tôi đều xin thừa nhận cả. Sau đây, theo lối viết niên biểu, tôi xin chia ra làm ba thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất là lúc hàn vi, không đáng trình bày nhưng đó là lúc bắt đầu ra đời, nên không dám bỏ sót.
Thời kỳ thứ hai là lúc tráng niên của tôi, trước khi xuất dương, tôi đã có những hành động ngấm ngầm, nào sắp đặt mưu kế, nào liên kết các hào kiệt, tất cả chép ở đoạn này.
Thời kỳ thứ ba là lịch sử của tôi từ khi xuất dương về sau.
Sách Phan Bội Châu Tự Phán của tác giả Phạm Trọng Điểm, Tôn Quang Phiệt, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark