"Phá Rào" Trong Kinh Tế Vào Đêm Trước Đổi Mới
Ở Việt Nam và cả nước ngoài, giới nghiên cứu thường coi năm 1986 với Đại hội Đảng lần thứ VI là thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong thực tế, trước đó nhiều năm đã có hàng loạt mũi đột phá can đảm, gian nan, trầy trật, mưu trí, sáng tạo, mà theo cách gọi thời đó là những cuộc "phá rào". Phá rào tức là vượt qua những hàng rào về quy chế đã lỗi thời để chủ động tháo gỡ nhiều ách tắc trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần từng bước dẹp bỏ hàng loạt rào cản cũ kỹ để mở đường cho công cuộc Đổi mới.
Mục tiêu của cuốn sách này là góp phần dựng lại một bức tranh sống động, phong phú về những tìm tòi, tháo gỡ trong thời kỳ "phá rào" đó.
Nói đến phá rào, trước hết cần trả lời câu hỏi: Hàng rào là những gì?
Đó chính là những thể chế, những nguyên tắc của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô và sau đó được áp dụng tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Ở Việt Nam, mô hình này được áp dụng đầu tiên ở miền Bắc khi bước vào thập kỷ 60. Ngay từ thời kỳ đó, nó cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Đảng, Nhà nước, nhiều nhà kinh tế và nhiều cán bộ địa phương khi thấy rõ điều đó đã có ý thức tìm tòi giải pháp để khắc phục. Các phong trào "Ba xây, ba chống", "Cải tiến quản lý hợp tác xã", “Cải tiến quản lý xí nghiệp”… được phát động chính là do người ta đã phát hiện ra những vướng mắc của mô hình này và thử tìm cách khắc phục. Nhiều nhà kinh tế cũng đã đề xuất một số ý kiến có tính chất đột phá như: Đa phương hóa xuất nhập khẩu, vận dụng quy luật giá trị trong việc hình thành giá thu mua. Một số địa phương, do sớm nhìn ra những nhược điểm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, đã chủ động áp dụng cơ chế khoán (có nơi áp dụng lén lút như ở Kiến An, Hải Phòng năm 1962; có nơi tiến hành công khai và đại trà trên toàn tỉnh như Vĩnh Phúc năm 1966-1968). Tất cả những mũi đột phá đó đều không đi tới đích như dự kiến. Một phần vì quan hệ quốc tế lúc đó, một phần cũng vì trình độ tư duy chung của cả xã hội đương thời chưa chín muồi cho việc đổi mới. Vả lại, trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm vụ đánh giặc được đưa lên hàng đầu, nên những ý tưởng cải cách vẫn còn phải chờ đợi nhiều thập kỷ nữa.
Từ sau giải phóng miền Nam, mô hình kinh tế của miền Bắc được áp dụng cho cả nước. Nhưng hoàn cảnh lúc này đã khác. Nền kinh tế của miền Nam có hàng loạt đặc điểm mà không thể đơn giản áp đặt mô hình kinh tế của miền Bắc vào. Những phản ứng từ cuộc sống không dễ dập tắt chỉ bằng mệnh lệnh, lại càng không thể chỉ bằng một nhát đập bàn của một ai đó. Trước sự sa sút hiển nhiên về kinh tế từ những năm 1978-1979, khó còn có thể tiếp tục giải thích bằng những nguyên nhân nào khác ngoài bản chất cơ chế kinh tế và sự bất lực của những phương sách cứu chữa cũ. Từ đây, bắt đầu thời kỳ rất sống động của việc tìm tòi.
Rất nhiều biện pháp phá rào đã diễn ra ở các đơn vị, các địa phương, rất đa dạng và phong phú về phương pháp, về bước đi, về kết quả và nhất là về những phản ứng dây chuyền dẫn tới những sửa đổi của chính sách.
...