Trong nhiều thập kỷ, "Pedro Páramo" của Juan Rulfo đã truyền cảm hứng cho biết bao tác giả, trong đó có Gabriel García Márquez.
Nhiều độc giả Mỹ Latinh thuộc lòng câu mở đầu cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo: “Vine a Comala porque me dijeron que acá vivía mi padre, un tal Pedro Páramo (Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó đã từng sống ở đây)".
Khởi nguồn của Trăm năm cô đơn
Năm 1961, Gabriel García Márquez vừa tới Mexico, không một xu dính túi nhưng đầy tham vọng, khát khao muốn viết một cuốn tiểu thuyết mới. Một ngày nọ, Álvaro Mutis ghé qua căn hộ García Márquez, mang theo một cuốn tiểu thuyết Pedro Páramo của Juan Rulfo. Nhanh như cắt, ông ném cuốn sách cho García Márquez và bảo ông đọc và học đi.
Đêm đó, García Márquez háo hức đọc đến mất cả ngủ. Cuốn sách mỏng của Juan Rulfo khiến ông bị ám ảnh sâu sắc đến nỗi ông đọc lại cuốn sách ngay trong đêm và thậm chí ghi nhớ cuốn sách. Ngày hôm sau, ông bắt tay viết Trăm năm cô đơn.
Câu chuyện này được García Márquez kể lại trong lời tựa một bản sách Pedro Páramo năm 1980.
Pedro Páramo xuất bản lần đầu tại Mexico vào năm 1955 và được nhiều thế hệ độc giả tôn thờ. Jorge Luis Borges gọi đây là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất từng được viết ra. Susan Sontag khẳng định cuốn sách là một trong những kiệt tác của thế kỷ 20. Enrique Vila-Matas đã nói rằng đây là “cuốn tiểu thuyết hoàn hảo”. Không chỉ Trăm năm cô đơn, mà 2666 của Roberto Bolaño có lẽ sẽ cũng không tồn tại nếu không có Pedro Páramo.
Cuốn sách chỉ cho độc giả cách đọc mới, giống như cách The Waste Land hay Ulysses đã làm, bằng cách bẻ cong các quy tắc văn học một cách khéo léo và tự nhiên đến mức các quy tắc sau đó phải thay đổi.
Tranh minh họa: Patricia Gutiérrez.
Pedro Páramo - câu chuyện ma bất thường
Pedro Páramo là câu chuyện của mọi cuộc cách mạng: người không có đất chống lại địa chủ, người bị tước đoạt chống lại kẻ có quyền lực. Đó là câu chuyện về sự chiếm đoạt, bóc lột và bạo lực tình dục; về cướp đất, định cư và khai thác đất, khai thác người. Nói cách khác, đó là câu chuyện xây dựng đất nước ở châu Mỹ.
Nhưng ở cốt lõi, Pedro Páramo xoay quanh hai cuộc hành trình, hoặc một hành trình tách ra làm hai.
Đầu tiên là cuộc hành trình tuyến tính: một người đàn ông tìm kiếm người cha mất tích của mình. Người kể chuyện, Juan Preciado, về quê cha mẹ sau khi mẹ anh qua đời để tìm kiếm người cha xa lạ tên Pedro Páramo. Nhưng về đến quê nhà, Preciado chỉ thấy một thị trấn ma.
Cuộc hành trình thứ hai là khi nhân vật đi xuống một loại thế giới ngầm được khắc họa bằng Toán học của Dante, với các vòng tròn đồng tâm và vị trí địa lý có thể điều hướng được. Thế giới này hiện ra mang nặng tính cảm giác, dày đặc âm thanh và âm vang vô tận.
Một cuốn tiểu thuyết không thể thành công nếu tác giả không kiểm soát được cảm giác về thời gian của câu chuyện, dù tuyến tính hay không. Đặc biệt với những tác phẩm phi tuyến tính, chuỗi sự kiện cần được một logic riêng dẫn dắt.
Không như những câu chuyện ma thông thường, trong Pedro Páramo, thế giới người sống ám ảnh ngược lại thế giới người chết. Thời gian trong Pedro Páramo lên xuống tựa thủy triều, với nhịp điệu tuần hoàn.
Những người đã chết, bị dày vò bởi cuộc sống mà họ không thể tham gia được nữa nhưng ký ức của họ cứ tua đi tua lại, tạo ra một dòng chảy ngầm đều đặn của những lời thì thầm, than thở, lẩm bẩm, những lời thú tội thầm lặng.
Nếu vị trí và thời điểm luôn thay đổi trong Pedro Páramo, thì âm thanh chính là phương tiện nhanh chóng và ngoằn ngoèo dẫn dắt độc giả qua các mốc: Không khí tĩnh lặng bị phá vỡ bởi đôi cánh bồ câu vỗ; chim ruồi vo ve giữa bụi hoa nhài; tiếng cười; tiếng gõ ngón tay lên cửa sổ phòng xưng tội; đồng hồ nhà thờ điểm từng giờ, “lần này đến lần khác, như thể thời gian đã co lại”... và hơn hết, tiếng mưa rơi.
Thế giới Pedro Páramo mưa rất nhiều. Và nước mưa thường đánh dấu sự chuyển đổi không gian thời gian của cuốn sách. Người chết trở nên bồn chồn khi trời mưa. “Chắc chắn hơi ẩm đã đến nên cô ấy trằn trọc”, một nhân vật nói về một người phụ nữ bị chôn trong mộ. Người chết bắt đầu lắng nghe và giống như những hạt giống dưới lòng đất, họ bắt đầu cựa quậy bất an, rồi bắt đầu trò chuyện.
Có một sự khó nắm bắt không thể tránh khỏi đối với một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc tường thuật được ghép lại từ những giọng nói bị bóp nghẹt trong vùng nước bùn, nhưng chính sự khó nắm bắt đó đã khiến chúng ta phải nghiêng mình để lắng nghe.
Trong lần phỏng vấn trên truyền hình Tây Ban Nha năm 1977, Rulfo gợi ý rằng Pedro Páramo phải được đọc ba lần thì mới hiểu được. Ông giải thích rằng độc giả có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách khi đọc nó như khi khi ông viết nó.
Theo cây viết Valeria Luiselli của tờ New York Times, Juan Rulfo thường bị xếp vào (một cách không chính xác) nhóm tác giả sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo; Juan Rulfo đúng ta nên được xếp vào nhóm các nhà văn như T.S. Eliot, Samuel Beckett và Franz Kafka, những nhà văn đã đưa văn học đến ranh giới ngôn ngữ của họ, một thứ ngôn ngữ "nước ngoài", trong đó, cho phép sự xa lạ thẩm thấu, biến những điều quen thuộc thường ngày thành kỳ lạ, quái đản.
Nguồn https://znews.vn/cau-chuyen-ma-truyen-cam-hung-viet-nen-tram-nam-co-don-post1447251.html
Tủ sách “Văn Học Nước Ngoài“ cực kỳ đa dạng về thể loại, từ văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế đến văn học hiện đại, trinh thám, viễn tưởng… Xem tại đây
Theo Minh Hùng (znews)