Giới thiệu sách
Ở Trong Đầu Trí Thức
Cuốn sách như một
“túi khôn” nho nhỏ, bao gồm 19 bài ghi lại những cuộc trò chuyện của nhà báo
Phan Đăng với các trí thức tên tuổi trong nước, ở các lĩnh vực chính trị, văn hóa, đời sống, khoa học… Bàn với các trí thức tiêu biểu về các vấn đề cốt lõi của đất nước, dân tộc, xã hội trong tiến trình lịch sử,
Phan Đăng trước hết tìm hiểu rất kỹ về vấn đề mình định hỏi và về nhân vật mình đến hỏi. Với một nền tảng kiến thức khá dày dặn, cộng với một tư duy có chiều sâu và đầy ý thức tranh biện khoa học, anh đã đưa ra không ít những câu hỏi hóc búa nhưng thú vị và từ đó, các cuộc mạn đàm của anh với nhân vật được soi chiếu với một tinh thần minh triết và khá triệt để, đem đến những góc nhìn đậm chất “
khai sáng”. Bên cạnh đó, các bài phỏng vấn trong cuốn sách chứa không ít các câu chuyện nhỏ ý nghĩa và nhiều thông tin thú vị, giúp cho bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận và có thể nổi hứng muốn tranh luận thêm với cả nhân vật và tác giả bài báo, về các đề tài cốt lõi và luôn luôn “
nóng” trên báo chí thời hiện đại.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã viết về Ở trong đầu trí thức như sau:
“Trong nghề văn có câu nói: viết một cách thông minh là giả định người đọc cũng thông minh. Chuyển sang cho nghề báo khi phỏng vấn nhân vật câu ấy sẽ thành: hỏi một cách thông minh là buộc người trả lời cũng phải thông minh. Những nhà báo sắc sảo, nhất là những ký giả quốc tế, họ có kỹ năng và nghệ thuật tung ra những câu hỏi có thể lật tẩy, lột trần trình độ và bản lĩnh của các chính khách và nhân vật nổi tiếng trong các cuộc họp báo, có thể đưa nhân vật lên đỉnh cao hoặc dìm xuống vực sâu. Và khi đó những câu hỏi thông minh, sắc bén, đầy thử thách người được hỏi sẽ đưa đến những câu trả lời thông minh hoặc ngược lại, nhằm làm lộ rõ vấn đề mà nhà báo muốn đưa đến cho công chúng.
Cuốn sách này của Phan Đăng đưa lại cho người đọc nhiều thông tin thú vị, bổ ích, cần thiết ở nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa để ngẫm ngợi từ góc nhìn của những người có trách nhiệm và thẩm quyền trong mỗi lĩnh vực của họ do chính họ nói ra. Tôi muốn coi đây hơn những cuộc phỏng vấn là những cuộc trò chuyện, trao đổi, thậm chí là tâm tình. Người đi hỏi không chỉ là người đưa ra câu hỏi, anh còn là người khơi gợi, đối thoại với người được hỏi, để bài phỏng vấn không chỉ dừng lại ở dạng hỏi-đáp, mà có khi còn như là sự “độc thoại nội tâm” của nhân vật khi đang trong tư thế hướng tới người đọc. Bởi vậy, có những thông tin hay sự kiện đã trôi qua, đã hết tính thời sự về mặt báo chí, nhưng đọc lại bài phỏng vấn độc giả vẫn cảm và hiểu được mạch nghĩ suy trong đầu của các nhân vật được phỏng vấn. Nói cách khác, cái sự “bổ đầu người” của tác giả nhà báo vẫn có tác dụng.
Nhà báo là người đưa thông tin nhằm đến sự thật. Họ đứng sau trang tin sự thật mình đưa ra cho công chúng. Nhà báo phỏng vấn là người chiếu đèn vào nhân vật của mình cho họ đứng trong vùng sáng, và như thế đặt mình đứng trong vùng tối. Những nhân vật của họ hiện ra thuyết phục, tin cậy đối với độc giả – đó là khi nhà báo được chiếu sáng.”Sách Ở Trong Đầu Trí Thức của tác giả Phan Đăng, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark