Những Người Bạn Cố Đô Huế (Trọn Bộ 3 Tập: 1932 - 1933 - 1934)
Ngày 16/11/1913, hội Những người bạn cố đô Huế (Asociation des amis du vieux Hué) được thành lập do đề xuất của Linh mục Léopold Cadière (1869-1955). Chương trình nghiên cứu của hội bao gồm: "Toàn thể các sự kiện tạo thành cái mà chúng ta gọi là Huế cổ: Huế tiền sử, Huế Chăm, Huế An-Nam và Huế Âu”. Mục đích của hội là: "Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ liên quan đến Huế và vùng phụ cận". Để thực hiện mục đích đó, bắt đầu từ năm 1914 hội cho ra đời tạp chí mang tên "Những người bạn cố đô Huế" (Bulletin des amis du vieux Hue – B.A.V.H) do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút suốt thời kỳ tồn tại. Tạp chí được xuất bản bằng tiếng Pháp trong 31 năm (1914-1944), trước những biến động của thời cuộc tạp chí phải đình bản giữa năm 1944 và hội Những người bạn cố đô Huế cũng tự động giải thể. Tạp chí này xuất phát từ chủ trương của linh mục L. Cadière và ông cũng là chủ bút đầu tiên. Các số của tạp chí được in tại Nhà in Viễn Đông (IDEO) Hà Nội.
Tạp chí B.A.V.H đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang bài viết, 2800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu. Mỗi năm tạp chí ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt, trung bình 3 tháng 1 số.
Nội dung B.A.V.H được nghiên cứu, khảo sát với 5 mảng chính: Kinh thành Huế và phụ cận; Lịch sử Huế và An-Nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và Các đề tài khác.
1. Kinh thành Huế và phụ cận: có thể xem là những tư liệu hàng đầu của B.A.V.H.
Lịch sử kinh đô Huế từ thời chúa Nguyễn Hoàng năm 1858 đến khi vua Gia Long lên ngôi, khởi công xây dựng kinh thành năm 1804, công trình được thực sự hoàn tất năm 1833 dưới đời Minh Mạng.
Rồi các khu vực của kinh thành được L. Cadière tìm hiểu và ghi lại lịch sử của chúng như: Hoàng Thành, Tử Cấm Thành; các cửa : Ngọ Môn, Đại Cung Môn và một số cung điện: Cung Càn Thành, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Khôn Thái, Thế Miếu, Thái Miếu, Tả Vu, Hữu Vu,…
Ngoài ra một số cơ sở thuộc kinh thành Huế cũng được nghiên cứu kỹ càng như: Hồ Tịnh Tâm, trường Quốc Tử Giám, kho thuốc súng, vườn Trường Thanh, vườn Thư Quang hoặc Phu Văn Lâu, kho lúa Hoàng gia Tôn Nhơn Phủ hay Thượng Thiện, trường Quốc học, Tòa Khâm, đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong thế chiến, kho lúa Triều Sơn Đông,… Tất cả cung cấp cho ta những kiến thức về mọi mặt của kinh thành Huế.
Một số đặc trưng của Kinh thành Huế mà B.A.V.H không quên nhắc đến như: Lăng tẩm (Lăng Gia Long, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức; Đền, chùa, am miếu (Chùa Thiên Mụ, Quốc Ấn, Diệu Đế, đền Chiêu Ứng, Huệ Nam Điện); sinh hoạt cung đình,…
2. Các đề tài lịch sử: Tiền sử, Chămpa (vốn là đất thuộc vương quốc Chămpa nền xứ Huế có khá nhiều vết tích Chàm, vì thế Chămpa là đề tài hấp dẫn), Huế và Đàng Ngoài dưới thời các chúa Nguyễn, Huế thời cận đại (lịch sử Huế thời cận đại nằm trong khuôn khổ của lịch sử An-nam nửa đầu thế kỷ XX, bao gồm các nguồn: Lịch sử triều Nguyễn: từ Gia Long đến Bảo Đại, Cuộc xâm lược An-nam của Pháp, Công cuộc bảo hộ của Pháp).
3. Nghệ thuật Huế: Các tác giả rất chú trọng đến khía cạnh nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng. Tác phẩm L’art à Hué (Mỹ thuật ở Huế) của L. Cadière là công trình đáng chú ý. Âm nhạc cũng được đề cập, nghiên cứu nhưng không nhiều.
4. Dân tộc học, ngôn ngữ học: các tộc người An-nam Indonésien, Mélanésien được khảo sát và trình bày ở các tác phẩm L’Annam và Hướng dẫn nghiên cứu về An-nam và Chămpa. Các lễ hội đâm trâu của người Bana ở Kontum được trình bày sinh động. Tục nhuộm răng của người An-nam, các cách sử dụng thuốc mê, thuốc phiện được nghiên cứu góp phần làm phong phú đề tài dân tộc học.
Song song với với đó là việc nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Chàm cùng chữ viết của chúng là đối tượng nghiên cứu của 2 tác phẩm trên. Lối đặt tên của người Việt và những tìm hiểu về tên người, tên đất An-nam cũng được trình bày đầy đủ.
5. Một số đề tài khác: B.A.V.H còn có những công trình nghiên cứu về một số địa phương như: tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Côn Lôn, Ngũ Hành Sơn, làng Minh Hương ở Hội An, động Phong Nha ở Quảng Bình,… Hoặc vấn đề di dân của người Nhật ở Đông Dương ngày xưa và lộ trình giao thông theo đường biển giữa Nagasaki – Hội An, Nagasaki – Vinh. Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến các tư liệu minh họa, tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ, chân dung,…
Với 31 năm liên tục hoạt động, tạp chí B.A.V.H đã góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu về Huế xưa và triều Nguyễn cũng như về An-nam nói chung. B.A.V.H là tài liệu phong phú và có giá trị về nhiều mặt. Giá trị của nó còn giúp cho nhiều thế hệ sau này khi muốn nghiên cứu tìm hiểu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam.