Giới thiệu sách
Những Đứa Trẻ Không Bao Giờ Lớn
“Tôi muốn quay ngược thời gian và trở lại tuổi thơ.
Khi “Bố” là “Anh hùng và “Tình yêu” là “Cái ôm của mẹ”.
“Nơi cao nhất trên thế giới này” là “Bờ vai của bố”.
Điều duy nhất có thể gây “đau đớn” là “Xước đầu gối”.
Thứ duy nhất “Vỡ vụn” là “Đồ chơi”. Và khi...
“Tạm biệt” có nghĩa là “ Hẹn gặp lại vào ngày mai”.
Cách đây 3 năm, khi mới phát hành, đoạn văn trích trong cuốn "Những đứa trẻ không bao giờ lớn" đã trở thành hot trend, được rất nhiều độc giả chia sẻ. Cuốn sách năm ấy cũng trở thành hiện tượng, lọt bảng xếp hạng của rất nhiều trang bán sách.
Lần này, Những đứa trẻ không bao giờ lớn trở lại với bạn đọc với diện mạo trưởng thành hơn, chín chắn hơn, chắc chắn sẽ mang lại một cảm xúc mới cho những ai từng yêu mến cuốn sách và tác giả Dương Minh Tuấn.
Xin trích lại một review vô cùng chân thật và đầy đủ của một bạn đọc để mọi người có cái nhìn khác về cuốn sách ý nghĩa này:
"Cuốn sách Những đứa trẻ không bao giờ lớn mở đầu với lời đề từ đầy chiêm nghiệm, có lẽ sẽ không khó đoán, màu sắc trầm mặc lạnh lẽo của cô đơn, của thương nhớ, của đắng cay… sẽ bao trùm lên từng trang từng trang của cuốn sách này.
Lần đầu tiên mình thấy một cuốn tản văn Việt Nam mà người viết không phải nhà văn, mà là Bác Sĩ. Nghe là đã thấy nhiều câu chuyện rồi. Và đúng như vậy thật, một nhà văn sẽ kể cho cậu nghe những cuộc đời, nhưng một anh bác sĩ sẽ kể cho cậu nghe rất nhiều những cuộc đời trong Bệnh Viện. Mà bênh viện thì,… mọi người biết rồi đấy!
Cuốn sách là những dòng tản mạn, lúc ngắn, lúc dài về những chuyện đã trải qua. Về những người từng gặp, những cuộc đời, những số phận, những suy tư, tâm sự của một Bác Sĩ. Một con người, chưa già nhưng cũng đã ở tuổi mà sóng gió cũng đã trải qua không ít.
Có lẽ ở độ tuổi 28, tuổi trưởng thành, dù đã lập gia đình hay chưa, thì cũng chẳng ai còn ngây thơ vô tư được nữa. Từng đó tuổi, nếm đủ ngọt bùi đắng cay, đã trầm mặc và nhiều tâm sự. Trong cuốn sách này, tác giả trải lòng lòng về những tâm sự ấy. Tâm sự gia đình, tuổi thơ, quá khứ, bạn bè, và tất nhiên, cả nghề y.
Có lẽ hiếm khi chúng ta được nghe nhiều câu chuyện về bệnh viện cùng một lúc đến vậy. Một người phụ nữa Cà Mau nhập viện vì hen suyễn. Anh chồng bị tật một chân lếch thếch dẫn 3 đứa trẻ theo. Một đứa còn ẵm trên tay. Quần áo không biết bao nhiêu mảnh vá, rách tới nỗi làm rơi 2 triệu vừa đi vay. Một anh bác sĩ dành trọn tâm huyết cho nghề, qua đời khi đang làm tình nguyện. Ông chồng có người vợ nằm liệt giường, một mình làm trụ cột kinh tế, tìm đến bàn nhậu như giải khuây rồi lại thành nghiện rượu, nhập viện rồi có mấy ông bạn nhậu đến thăm. Lúc tỉnh vẫn nói cười hẹn ngày tái ngộ bên ly rượu, rồi qua đời ngay lúc những ông bạn vẫn chưa về. Một anh bạn bị tai nạn nằm liệt một chỗ, mất ngay khi người bạn bác sĩ chưa dứt lời tâm sự. Hay vô vàn những mảnh đời bi thương khác mà chắc ai cũng đã từng chứng kiến hoặc nghe qua.
Giữa dòng đời đầy rẫy bất công, nhiều khi mình nghĩ sao cuộc sống này nó vô nghĩa thế, mạng sống của một con người lắm khi cũng chẳng hơn một ngọn cỏ là bao. Đã vậy còn ngày ngày đối mặt với biết bao giả dối, đắng cay, bi kịch nhiều khi không đến từ tử thần, mà đến từ chính đồng loại, chính người thân, thậm chí chính bản thân mình, làm con người ta méo mó cả nhân hình, nhân dạng, hoặc là giả dối với chính cảm xúc của mình:
“Chúng mình sống làm sao để không phải mang quá nhiều mặt nạ bây giờ”
Một trăn trở nghe thôi cũng thấy đau lòng. Người ta phải đeo nhiều mặt nạ quá, lớp này chồng lớp kia, có lúc nào được tháo hết. Mà có khi đến cuối cùng lại không biết đâu mới là gương mặt thật của chính mình. Người ta không nhớ mình đã đánh mất bản thân như thế nào, lúc chơi vơi lại thèm về quá khứ. Như anh bác sĩ Tuấn nhớ cái se lạnh của Hà Nội, nhớ những tiếng người Hà Nội, nhớ bát phở Hà Nội. Như bất cứ ai cũng nhớ nhà, nhớ quê. Thèm cảm giác bình yên, che trở. Thèm những khoảng thời gian cùng bạn bè nói cười, không phải lúc nào cũng là chuyện vui, nhưng đều là những chân thật. Những bóng dáng bạn bè mà có thể sau này chẳng còn được gặp lại bao giờ…
Ấy thế nhưng cuốn sách này cũng không phải toàn viết về những điều đau khổ. Chúng ta vẫn đọc được trong đó những mẩu chuyện không nhớ ngày tháng năm, chỉ nhớ nó cũng thú vị, hài hước, hạnh phúc, nhiều khi làm mình ấm lòng. Tô thêm những màu ấm áp tươi sáng cho bức tranh không phải toàn màu đen.
Chuyện anh bác sĩ Tuấn dặn bệnh nhân giảm cân khoa học đi tìm mua giảm cân. Đôi vợ chồng già đi tuần trăng mật không may ăn phải đồ ăn bẩn, đau bụng quá phải chạy vào viện, những lúc bụng quặn lên vẫn nắm chặt tay nhau… Hoặc thậm chí ngay trong khoảng thời gian đen tối nhất, thậm chí biết chắc cái chết sắp đến, những con người trong câu chuyện vẫn đầy lạc quan. Lạc quan kể chuyện buồn, cách họ lạc quan chắc sẽ làm những người khỏe mạnh như chúng ta phải rơi nước mắt. Đó, chúng ta vẫn còn rất nhiều lý do để vui vẻ, một trong đó là tự nghĩ mình là người vui vẻ, đơn giản đúng không.
Với mình, đây là một cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm vì chứa nhiều bài học, giá trị cho cuộc sống. Đôi lúc mình tìm đọc lại để thấy đồng cảm hơn, lấy lại chút niềm vui và niềm tin với cuộc đời khi ngoài kia là quá nhiều khắc nghiệt và mệt mỏi. Cảm ơn cuốn sách, cảm ơn anh Tuấn đã cho mình thật nhiều trải nghiệm về cuộc đời!"
Thông tin tác giả Dương Minh Tuấn
Hay được biết đến với biệt danh Pu Tuấn, là một bác sĩ trẻ người Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, Tuấn công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó tình nguyện xung phong về một bệnh viện miền núi của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong đợt dịch Covid-19 diễn ra tại Sài Gòn vừa qua, bác sĩ Dương Minh Tuấn cùng đoàn y tế huyện Minh Hóa, Quảng Bình tiếp tục tình nguyện lên đường, tham gia công tác chống dịch.
Sách Những Đứa Trẻ Không Bao Giờ Lớn của tác giả Dương Minh Tuấn, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark