Giới thiệu sách
Nhựa Cây
Gia đình của cô bé Liv sống tách biệt mọi người và hòa mình với thiên nhiên trên một hòn đảo nhỏ thưa thớt dân cư. Một gia đình gắn bó, các thành viên rất mực yêu thương nhau, mặc dù người bố với sở thích nhặt nhạnh đồ phế thải có vẻ khá lập dị trong con mắt của cư dân địa phương. Mẹ của Liv cũng ít khi ra ngoài và bị mọi người đồn đang ốm liệt giường. Ngôi nhà của họ được chăng đủ thứ bẫy và biển cảnh báo để làm nản lòng những kẻ hiếu kỳ. Nhân viên phát thư là người duy nhất có lí do tiếp cận vòng rào, nhưng ngay cả anh ta cũng buộc phải bỏ lại thư từ trên lối đi vào nhà.
Liv qua đời năm lên sáu, hay ít ra đó là phiên bản câu chuyện được giới chức địa phương ghi nhận. Bố của Liv tin rằng ông là người duy nhất có thể giữ an toàn cho cô bé trong cái thế giới này. Thế là một đêm, ông rời khỏi nhà, đẩy chiếc thuyền ra biển và để nó lao vào đá ngầm vỡ tan. Sau đó, ông đi bộ cả quãng đường dài tới thị trấn để báo cảnh sát về vụ mất tích của cô con gái độc nhất.
Kể từ đó, Liv thường xuyên ẩn mình phía sau những chiếc hộp và sọt đựng được lèn chặt trong xưởng của bố, tránh mọi nguy cơ bị người khác nhìn thấy. Như thế, theo lời bố, cô bé sẽ không bao giờ phải đi tới trường; như thế, cô sẽ không bao giờ phải rời xa bố mẹ. Như thế, Liv sẽ được an toàn.
Lớn lên trong sự biệt lập, trường học của cô bé Liv chính là thiên nhiên, là khu rừng, là bờ biển với vô số những điều kỳ thú. Nhưng đằng sau vẻ hấp dẫn của những chuyến du ngoạn ban ngày để tìm nhựa cây trong rừng hoặc đi xoáy trộm thức ăn ban đêm trong nhà của các cư dân trên đảo là mối nguy hiểm lớn dần của một thứ tình yêu bảo bọc đến cuồng dại. Vì thương con, muốn ở gần con mọi lúc mà ông bố sẵn sàng làm mọi điều sai trái, kể cả trộm cắp, giết người trong sự bất lực đến tột cùng của bà mẹ. Và thứ nhựa cây màu hổ phách trong veo mà ông nhờ Liv tìm về là để chuẩn bị cho một việc vô cùng khủng khiếp…
Ra mắt năm 2015, Nhựa cây đã giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá, trong đó có giải Harald Mogensen dành cho tiểu thuyết trinh thám Đan Mạch xuất sắc nhất, giải thưởng Viên đạn vàng dành cho tiểu thuyết trinh thám dịch sang tiếng Na Uy xuất sắc nhất, giải thưởng Xà beng vàng dành cho tiểu thuyết trinh thám dịch sang tiếng Thụy Điển xuất sắc nhất, và giải thưởng Chìa khóa thủy tinh dành cho tiểu thuyết trinh thám Bắc Âu xuất sắc nhất. Tác phẩm đã được bán hơn 30,000 bản chỉ riêng tại Đan Mạch, và đã được hơn 20 quốc gia mua bản quyền chuyển ngữ. Bộ phim đã được chuyển thể điện ảnh ra rạp vào năm 2020.
Trích đoạn 1
Một trong những điều đầu tiên mà tôi nhớ được từ cuộc sống trên Đầu là mùi nhựa cây tươi: sự nhột nhạt tức cười trong mũi, cảm giác dinh dính trong lòng bàn tay và chất giọng êm ái của bố kể về chất nhựa trong cây. Nó là một loại nhựa kỳ lạ, bố bảo, bởi vì nó có thể chống lại tác nhân tấn công từ bên ngoài, làm lành vết thương và bảo quản xác động vật cho đến muôn đời. Tôi còn nhớ mình đã trông thấy một con kiến trèo lên vỏ một cái cây, tránh những giọt chất lỏng màu vàng dính như keo rồi biến vào trong một khe nứt, để rồi xuất hiện trở lại ở chỗ cao hơn một chút. Cứ thế nó tiến lên càng lúc càng cao.
Sau đó tôi thì thầm với những cái cây bị thương rằng những vết thương của chúng sẽ sớm lành lại, bởi vì nhựa cây là chất chữa lành và bảo vệ của chúng. Cây cối là bạn của tôi.
Còn lũ kiến là người quen chung của chúng tôi. Chúng luôn ở đó, những sinh vật nhỏ xíu kiên cường, luồn lách tìm đường. Leo lên cây rồi lại leo xuống, xuyên qua đám cỏ, băng ngang sân, vào nhà bếp, bò lên chạn, chui xuống hũ mật, vượt qua phòng khách để trở về tổ kiến. Thường thì chúng lôi theo thức ăn hoặc một thứ gì đó có vẻ vô dụng, có khi là xác một con kiến đồng loại.
Tôi không rõ liệu người ta có gọi chỗ cây cối sau nhà chúng tôi là một cánh rừng thực sự hay không. Cần bao nhiêu cây thì mới làm nên một khu rừng? Nhưng với Carl và tôi, nó là một khu rừng, một khu rừng vĩ đại. Không, nó còn hơn thế. Nó là một thế giới vô tận của mùi hương, âm thanh và sự sống, thế giới ấyhòa vào khung cảnh phía xa gồm những con chim chiền chiện, cây thạch nham và cỏ xanh, sau đó nó nhập vào cát, vào nước, rồi tan vào đại dương bất tận.
Nhưng đó là trước khi tôi khám phá ra bãi thạch nham và bờ biển. Khởi đầu chỉ là một cái cây bị thương và con kiến khéo léo tránh những giọt chất lỏng màu vàng dính như keo có thể nuốt chửng nó.
Sau đó, tôi để ý đến những cái cây khác: những cây vân sam uốn tán lá hình quạt về phía mặt đất như thể muốn nghe xem đất đang thì thầm điều gì với mình. Chúng luôn tỏ ra buồn bã, và mặc dù một số mọc cao đến khó tin, chúng vẫn tiếp tục vươn những tán lá xuống nơi mà từ đó mình mọc lên. Những cây thông thì hoàn toàn khác. Chúng rậm rạp, mạnh mẽ với những chiếc lá kim nhọn và quả thông bung xòe, và tôi thường có cảm giác rằng chúng chẳng buồn quan tâm đến mặt đất. Tôi tin chắc chúng luôn nhìn lên trời và, ai mà biết được, chúng có thể mừng rỡ bay đi luôn nếu tìm được cách cất cánh khỏi mặt đất của khu rừng. Dù vậy tôi nghĩ chúng sẽ quay trở lại sau đó. Nói cho cùng, chúng thuộc về Đầu, cũng giống như tôi.Ngoài ra còn những cái cây tim nhạc. Chúng nấp giữa những cây tùng bách và có thân mảnh màu trắng bạc, trên ngọnlà vòm lá xanh - những quả tim nhỏ và nhọn kêu lao xao như tiếng nhạc trong gió. Tôi thích âm thanh đó tới nỗi sẵn sàng ngồi dưới một cái cây tim nhạc và chờ cho gió nổi lên. Tôi còn nhớ mình đã hoảng hốt đến thế nào khi một ngày nọ những chiếc lá đột ngột rơi xuống, vương vãi khắp mặt đất quanh tôi. Ngồi giữa một biển những trái tim rụng, tôi cố gắn chúng lên cành trở lại - những cái cành thấp, vì tôi không cao lắm - nhưng dù cố đến mấy, những chiếc lá vẫn rụng càng lúc càng nhiều. Tôi không biết phải làm gì cho đến khi hỏi được bố và bố giải thích mọi chuyện với tôi.
Kể từ ngày hôm ấy, cánh rừng trở thành nơi yêu thích nhất của tôi, vì tôi đã hiểu được rằng mọi thứ sẽ quay trở về, không có gì ra đi mãi mãi. Màu sắc này thay thế màu sắc khác, chuyển từ xanh nhạt sang xanh đậm, sang đỏ rực, nâu vàng rồi đen thẫm, trước khi trở thành mùn. Tôi hiểu rằng đất cần phải ăn để cho sự sống mới sinh sôi. Rằng bóng tối thay thế ánh sáng, rồi ánh sáng lại thay thế cho bóng tối. Và những trái tim sẽ mọc lại.
Trích đoạn 2
Tôi nhớ mẹ. Nhưng mỗi khi tôi lấy một lá thư từ trong bìa hồ sơ màu xanh và đọc những gì mẹ viết cho mình, tôi lại thấy giống như đang trò chuyện với mẹ. Rồi tôi trả lời mẹ một cách tốt nhất có thể và cất thư đi. Một ngày nào đó, khi đã đọc hết các lá thư, có lẽ tôi sẽ bắt đầu đọc lại từ đầu, như vậy chúng tôi sẽ có thể tiếp tục trò chuyện. Có rất nhiều thứ mà tôi muốn kể với mẹ.
Thỉnh thoảng tôi lấy một cuốn sách từ phòng đọc chung rồi đọc thành tiếng cho mẹ và Mona Lisa nghe. Tôi không chắc liệu Mona Lisa có lắng nghe hay không, nhưng ít nhất bà ta cũng nhìn tôi cho dù tôi ngồi ở vị trí nào trong phòng. Tôi biết mẹ lắng nghe tôi. Mẹ là người nghe tử tế nhất trên đời.
Thông tin tác giả Ane Riel
Sinh năm 1971 tại Aarhus, Đan Mạch. Cô là tác giả trinh thám và tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên.
Sách Nhựa Cây của tác giả Ane Riel, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark