Được biết đến là người “xúi” dân đi kiện Vedan – Công ty đã xả chất thải ra sông Thị Vải gây ô nhiễm nghiêm trọng, là người hướng dẫn ngư dân Việt Nam kiện Trung Quốc tranh chấp biển Đông năm 2014, là người đã đưa ra lời dự báo từ mười năm trước về những vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt trong thời điểm hiện nay, cũng là người đặt lại những câu hỏi về cải cách giáo dục, về Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam trong mối tương quan với luật quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam khá quen thuộc với giới báo chí kinh tế – chính trị – xã hội của Việt Nam. Vừa có cái nhìn toàn cảnh thế giới, vì ông chính là tác giả của cuốn sách Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước do Ủy ban Liên minh châu Âu đặt hàng, xuất bản tại Đức năm 2002; vừa có thực tế làm việc tại Việt Nam với vai trò của một luật gia hơn mười năm nay (ông là Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng), cái nhìn của Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam về các vấn đề phát triển – tồn tại của dân tộc Việt không chỉ là cái nhìn của một luật gia quốc tế, mà còn có cả cái nhìn của một người con Việt Nam nhìn suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Và cũng vì tốt nghiệp
ngành triết học tại Đức, ông còn có cả cái nhìn với lăng kính triết học.
Sinh trưởng trong một gia đình miền Nam có công với cách mạng, 6 tuổi đã được gửi ra miền Bắc học tập, chứng kiến nhiều thay đổi của đất nước và thế giới, ông có được cái nhìn toàn cảnh về Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện đại. “Càng biết nhiều, càng đau nhiều”, câu nói này có lẽ ứng với Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam. Cảm nhận được cái tình của ông dành cho đất nước, Ban Biên tập Anbooks trân trọng giới thiệu Nhìn lại, thấy xa hơn – một tác phẩm tập hợp những bài viết tâm huyết của ông từ hơn mười năm qua, đặc biệt kể từ ngày ông dự báo ba điều khủng khiếp sẽ xảy đến với Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật năm 2008. Với dự báo “môi trường sẽ bị hủy hoại khủng khiếp đến mức không thể khôi phục trở lại nữa”, ông cũng chính là người xung phong hướng dẫn người nông dân Nguyễn Lam Sơn đi kiện Vedan khi sự cố môi trường khủng khiếp này xảy ra năm 2012. Cũng chính ông, khi sự cố Formosa xảy ra, đã liên tục trả lời phỏng vấn rất nhiều tờ báo lớn về cách thức ứng dụng luật quốc tế để buộc doanh nghiệp này bồi thường, xử lý sự cố, khắc phục sự cố. Cũng chính ông, khi Trung Quốc dùng tàu lớn đâm trực diện, nhấn chìm tàu cá cùng toàn bộ ngư dân Việt Nam trên tàu, là người có những ý kiến hướng dẫn bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá bị phá hỏng, đi kiện Trung Quốc tại Tòa án Luật Biển Quốc tế… Những gì ông đã dự báo, hướng dẫn, phân tích trong hơn mười năm qua, Ban Biên tập Anbooks đã tập hợp, sắp xếp lại và dành tặng độc giả. Nhìn lại, thấy xa hơn được cấu trúc dựa trên một sợi chỉ. Đó chính là sợi chỉ nối từ bài phỏng vấn
về dự báo từ những năm xưa, nối liền với dự báo của nhiều năm kế tiếp. Nhìn lại để thấy chúng ta đã thờ ơ, bàng quan thế nào, đã để mất những gì, vuột qua những gì. Nhìn lại, để thấy rằng trí thức Việt Nam không hẳn đã thờ ơ với thời cuộc như nhiều người đã nghĩ.
Họ đã nói, ở nhiều nơi, nhiều lần. Những cảnh báo từ mười năm trước dường như còn nguyên giá trị đến tận hôm nay. Nhìn lại, để thừa nhận với nhau rằng chúng ta đang bối rối. Rất nhiều giá trị bị đảo lộn, rất nhiều thông tin gây hoảng hốt, hoài nghi. Chúng ta sẽ để lại gì cho thế hệ kế tiếp, trong phần Thấy xa hơn của cuộc đời mình?
Thấy xa hơn, để biết vận mệnh chúng ta sẽ ra sao trong thời kỳ mới, thời đại có tên 4.0 với tương lai robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, thời đại của những kết nối có thể làm thay đổi cách tương tác giữa người với người, giữa người với vạn vật, hay giữa người với chính họ. Nhìn lại, thấy xa hơn cũng là câu chuyện con người lồng vào đất nước, chuyện quá khứ lồng vào tương lai, chuyện cá nhân lồng vào xã hội, chuyện giáo dục – kinh tế – văn hóa – xã hội lồng vào nhau, thành một bức tranh có nhiều mảng màu, trong đó, tối nhiều hơn sáng. Thật đáng tiếc nếu ta vẽ một bức tranh cho quá khứ và tương lai mà tối nhiều hơn sáng, nhưng tôn trọng sự thật và nhìn sự vật như nó chính là, cũng là trách nhiệm của người trí thức. Trong buổi cà phê thứ hai để nói về bản thảo, Ban Biên tập Anbooks có hỏi tác giả, anh có nhiều hy vọng không? Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam trả lời chúng tôi rằng: Phải hy vọng! Dù bức tranh có tối nhiều hơn sáng, chúng ta vẫn phải hy vọng và làm hết sức mình trong tỉnh thức, trong hiểu biết, và tự mình vẽ nên một bức tranh nhiều nét sáng hơn, tạo ra những thế hệ ngày càng giỏi giang, trí tuệ, tỉnh thức hơn. Đó là cách duy nhất để sống và cống hiến. Đó cũng là tinh thần chủ đạo và xuyên suốt của chúng tôi trong khi vận hành bản thảo cuốn sách này. Dù hầu hết các bài này đã được đăng ở nhiều tờ báo lớn tại Việt Nam trong hơn mười năm qua, chúng tôi vẫn mất nhiều thời gian tìm cách sắp xếp sao cho bạn đọc cảm nhận được mạch thở của xã hội Việt Nam xuyên suốt qua từng sự kiện, thời điểm, bởi nhiều điều đã nói trước đây vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến bây giờ. Tác giả cũng dày công viết mới cho phần Thấy xa hơn, để việc sắp xếp ý cho bản thảo được tròn trịa. Bản thảo cũng nhận được sự quan tâm sâu sát của chị Đinh Thị Thanh Thủy – Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng – tác giả của bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam hơn mười năm trước, cùng rất nhiều anh chị trí thức khác.
Với tính chất tập hợp các bài viết, một qui trình nghiệp vụ không quá khó khăn, nhưng chúng tôi đã mất hơn 9 tháng để hoàn thành bản thảo bằng sự cẩn trọng và tinh thần cầu thị sâu sắc.
Vạn sự khởi đầu bằng ngày chúng ta ngồi lại, nhìn thẳng vào bức tranh trước mắt và phóng tầm mắt nhìn xa hơn, ra khỏi nơi chúng ta đang sống, ra khỏi không gian hiện hữu, đến một tầm nhìn mới, để sửa soạn một tâm thế mới. Chúng tôi hy vọng cuốn sách này sẽ là bạn đồng hành của quý anh chị độc giả trong những ngày “nhìn lại, thấy xa hơn” của cuộc đời mình.