Nhật Ký 300 Ngày Ở Harvard: Học Để Thay Đổi Thế Giới
Trước khi tham gia chương trình Thạc sĩ Giáo dục của Đại Học Harvard, tác giả Trương Phạm Hoài Chung có thời gian năm năm làm việc trực tiếp với phụ huynh và học sinh cấp 3 ở thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả giúp họ vạch ra kế hoạch để xây dựng bộ hồ sơ du học Mỹ thành công, bên cạnh đào tạo các bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên, anh tự thấy mình chưa trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Một học sinh điển hình của Mỹ được trang bị những gì trước khi bước vào đại học? Môi trường giáo dục Mỹ hiện đang theo những xu hướng gì? Bài học gì Việt Nam có thể áp dụng ngay để tạo niềm tin cho phụ huynh? Vì thế trong thời gian du học ở Harvard, anh luôn bị thôi thúc viết ra những suy nghĩ và quan sát của mình khi theo học ở ngôi trường này. Và đó là lý do 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới ra đời.
Quyển sách là tập hợp những câu chuyện nhỏ sau 300 ngày học hỏi và lang thang đến mọi ngóc ngách của Harvard (và MIT, một trường đại học hàng đầu khác của vùng Boston mở rộng). Đây là chia sẻ hằng ngày trên Facebook vì thế nó chỉ là những ý tưởng lóe lên trong đầu của tác giả. Ý tưởng đó có thể là những công cụ mới giúp cho học sinh, sinh viên Việt Nam tự học kiến thức và kỹ năng mà một bạn người Mỹ đồng trang lứa đang được trang bị. Ý tưởng đó có thể là những mẹo vặt để phụ huynh định hướng tốt hơn cho con mình để theo kịp xu hướng tuyển sinh đại học Mỹ. Ý tưởng đó có thể là những triết lý hay đột phá trong giáo dục dẫn đến một nền giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em ở một khu vực nào đó. Quyển sách được thiết kế như một trang Facebook của một người bạn mình hay theo dõi: giải trí mà vẫn có những bài học mình cần suy ngẫm thông qua những câu chuyện ngắn từ một trải nghiệm thật 100% ở Harvard. Hy vọng là độc giả sẽ tự trang bị cho mình những công cụ học hỏi mới và có định hướng đúng đắn hội nhập toàn cầu trong thế kỷ 21.
Bên cạnh những bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, anh còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, về ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ trong thế kỷ 21, và thật tình cờ về một ngày dẫn ca sỹ Mỹ Tâm dạo chơi quanh khuôn viên trường.
Quyển sách không đưa ra câu trả lời cụ thể mà gợi mở những ý tưởng đang thịnh hành ở Mỹ để người đọc tò mò và tìm hiểu thêm bằng cách Google nhiều nguồn khác nhau. Tựa đề quyển sách là khẩu hiệu của trường Giáo Dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới: “HỌC ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI”.
***
"Em thực sự vui khi nhận được lời mời viết lời giới thiệu cho cuốn sách của thầy Chung. Lời mời có từ tháng Năm nhưng khi đó, em đang lu bu với các kì thi hết năm nên "để dành" niềm vui cho đến khi về Việt Nam.
Những ngày đi dạy về, mỗi buổi tối em đều lấy sách ra đọc. Và có cảm giác, mình đang gặp lại nước Mĩ, theo một cách rất khác. 300 ngày ở Havard là 300 trải nghiệm khác nhau. Có những chuyện vu vơ, có những nỗi nhớ vu vơ nhưng những lời khuyên thì không hề... vu vơ.
Bạn đọc có thể hiểu về việc đi du học, về cách học, cách làm bạn, cách giao tiếp, cách thuyết trình, cách làm việc nhóm, chỉ từ những trang nhật kí ngắn gọn mà giàu thông điệp. Em đặc biệt thích những góc nhìn mang tên CHIA SẺ trong từng tuần của thầy Chung. Nó là kho tài nguyên mà thầy đã chắt lọc để đưa đến phụ huynh. Nó giúp phụ huynh có thể tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa của việc nuôi dạy con. Thầy Chung ít nói về niềm đam mê với sách của mình nhưng đọc cả cuốn sách, thấy niềm đam mê đó ngập tràn. Thầy mong muốn phụ huynh có nhiều nguồn sách tốt. Thầy nói về việc đọc hiểu ở Mĩ. Cá nhân em cực thích điều này. Bởi em nghĩ, 10 mọi đứa trẻ thích sách, thích việc đọc sách và có kĩ năng đọc sách, nếu không thành công trong đời sống thì ít nhất cũng là một đứa trẻ hạnh phúc. Và thầy Chung là vậy, triết lí giáo dục của thầy, những điều thầy viết đều "dẫn dụ" người đọc vào việc: làm nên một đứa trẻ hạnh phúc.
Và nếu đọc kĩ, đọc kĩ, sẽ thấy "những thầy Chung" khác nhau qua 300 ngày trên đất Mĩ. Những ngày đầu là "thầy Chung lãng mạn có chút cô đơn", những ngày tiếp theo là "thầy Chung quan sát", mọi điều dưới con mắt của thầy đều ẩn chứa những triết lí giáo dục, ẩn chứa những điều đáng để học hỏi. Không chỉ học trong trường lớp, học cả từ những cách cư xử với bạn bè. Và gần cuối là “thầy Chung làm bố”. Khi em Angel ra đời, mọi điều đều mềm dịu lại. Có lúc hơi hoang mang vì lần đầu làm bố, khi lại nặng sâu ân tình với cô con gái bé bỏng. Và cả ước vọng của người cha... "Những thầy Chung" trong cuốn nhật kí cứ trôi qua, trôi qua chân thật và trữ tình.
Cuốn sách như trang nhật kí trên Facebook, viết theo đúng phong cách của "văn học mạng" nhưng em lại thích, rất thích. Em tin những người trẻ như em cũng thích cách tiếp cận này. Nó cũng là nguồn thông tin mở đối với tất cả các bậc phụ huynh quan tâm đến giáo dục. Gọi là "thông tin mở" vì nếu muốn biết sâu hơn, muốn hiểu kĩ hơn, phụ huynh phải thực sự tương tác, tra cứu thông tin, tài liệu. Vì thế nó không chỉ dừng lại ở "300 ngày" mà sẽ là nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, phụ huynh đồng hành cùng con."
(Đỗ Nhật Nam)