Tôi đã hơn một lần viết về Trần Bảo Định và đến nay đã có thêm mấy luận án viết về tác phẩm của anh. Vậy mà đọc 'Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa' bất ngờ thấy Trần Bảo Định trổ 'chiêu' mới độc đáo, lại khó ngồi yên!
Bạn đọc - nhất là ở phía Nam, không lạ chi tên tuổi nhà văn Trần Bảo Định và tôi thường gọi anh là "Ông già Nam Bộ nhiều chuyện" như tên một cuốn sách của anh.
Có thể nói Dấu thời gian - Khát vọng của người xưa (NXB Tổng Hợp TP.HCM) là tác phẩm "2 trong 1" chưa có tiền lệ: 7 nhân vật được đề cập trong sách đều có bài khảo cứu và tiếp theo là một truyện ngắn, được tác giả xây dựng từ một sự kiện, một kỷ niệm, một con người có quan hệ đến nhân vật vừa được giới thiệu kỹ lưỡng; riêng hai truyện "Thất Sơn - Truyền thuyết Ông Ba Mươi" và truyện "Con trùn đất đồng bằng sông Cửu Long" thì ngẫm kỹ mới nhận ra đằng sau câu chuyện ẩn giấu thái độ, tính chất thực của 2 nhân vật Nguyễn Hào Vĩnh và Hồ Hữu Tường...
Sách Dấu Thời Gian - Khát Vọng Của Người Xưa. Tác giả Trần Bảo Định
Điều đặc biệt nữa là 7 nhân vật hầu hết là những tên tuổi lừng danh một thời trong lịch sử, nhưng đến nay rất ít được nhắc đến.
Nói là "hầu hết" vì trong 7 nhân vật, có 2 người chưa bị hậu thế lãng quên; đó là danh nhân Lương Văn Can, người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, từng được giới thiệu trên nhiều sách báo.
Tuy vậy, những trang khảo cứu của Trần Bảo Định đã nhấn mạnh đến khía cạnh khá thú vị là tư tưởng kinh doanh Lương Văn Can cũng như Trần Chánh Chiếu, đặc biệt ở khía cạnh giáo dục và ý nghĩa văn hóa - xã hội, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Người thứ hai là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Mấy năm gần đây, tạp chí Hồn Việt đã đăng một số bài khẳng định ông là "nhà cách mạng chân chính". Nói vậy, cũng là cách bác bỏ dư luận sai trái một thời gian dài về ông. Bài viết của bà Nguyễn Thị Minh, con gái Nguyễn An Ninh, trên Hồn Việt số tháng 8-2013 đã dẫn ra rất nhiều sự kiện và tài liệu tin cậy về những điều đó. Bài khảo cứu "Thanh niên cao vọng Nguyễn An Ninh" của Trần Bảo Định dài đến 40 trang, một lần nữa nêu cao phẩm giá cũng như vai trò to lớn của Nguyễn An Ninh đối với phong trào cách mạng Việt Nam trước 1945, nhất là ở miền Nam.
5 nhân vật khác trong cuốn sách mới của Trần Bảo Định không có may mắn như Lương Văn Can và Nguyễn An Ninh.
Đó là Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Hào Vĩnh, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu - những nhân vật nổi danh, gây sóng gió một thời, bị thực dân Pháp bỏ tù, nhưng đến nay chỉ có ít tạp chí chuyên khảo như "Xưa và Nay" nhắc đến; riêng Tạ Thu Thâu còn vướng vào một "nghi án" có thể không bao giờ được làm sáng tỏ...
Qua bài viết Tạ Thu Thâu - chàng trai Lấp Vò trên đất Pháp dài gần 40 trang, Trần Bảo Định đã giúp bạn đọc thấy rõ "tấm lòng nhân đạo và tình yêu quê hương ngời sáng" của Tạ Thu Thâu. Và với ông, "cách mạng, tức là cách mạng cho nhân dân - những người lao động cùng khổ lầm than […] Ông là nhà cách mạng với trái tim của nhà nhân đạo chủ nghĩa mang tư tưởng (chẳng phải duy tâm hay duy vật) mà là nhà nhân bản luận, thể hiện tính Nam Kỳ rõ nét…".
Và với việc tên đường Tạ Thu Thâu đã được đặt tại phường Hiệp Phú, thành phố Thủ Đức, cuộc đời ông mặc nhiên đã sáng rõ.
Với cách bố cục tập sách, mở đầu là Lương Văn Can và sau cùng là Nguyễn An Ninh, tác giả đã "giúp cho bạn đọc thuận tiện tiếp nhận sự dịch chuyển quan niệm yêu nước và tư tưởng canh tân đầu thế kỷ XX…".
Cùng với 7 câu chuyện kèm theo sau phần khảo cứu, Trần Bảo Định không chỉ cung cấp rất nhiều kiến thức thông qua "khát vọng của người xưa" mà còn chuyển tải những thông điệp quan trọng về xây dựng chủ nghĩa nhân văn trong sáng, trước tình trạng "ý-tình-lý bị thui chột, biến dạng nhân hình - biến dạng nhân tính, sự vong bản bắt đầu […] Và con người trở thành loài ký sinh tai hại đang ngày từng ngày phá hủy địa cầu" đã được học giả Hồ Hữu Tường cảnh báo từ gần một thế kỷ trước!
Nguồn https://www.netabooks.vn/dau-thoi-gian-khat-vong-cua-nguoi-xua
Những cuốn sách “Lịch Sử” mang đến lượng kiến thức to lớn cho người đọc góc nhìn phổ quát về những sự kiện, hiện tượng từng diễn ra trong quá khứ cho đến tác động của nó đến ngày nay. Xem tại đây
Theo Nguyễn Khắc Phê (Tuổi Trẻ)